Hơn 50 trẻ nhập viện cùng lúc vì bị ong đốt tập thể

author 08:28 05/11/2015

(VietQ.vn) - Chiều ngày 4/11, do trót nghịch ngợm ném vỡ tổ ong, hơn 50 học sinh Trường tiểu học Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội đã phải nhập Bệnh viện Bạch Mai vì bị ong đốt tập thể.

Trao đổi với báo chí vào tối 4/11, đại diện Bệnh viện Bạch Mai xác nhận vào khoảng 15h30 ngày 4/11 đã cùng lúc tiếp nhận khoảng 50 học sinh trường tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình, thầy cô giáo đưa đến khám vì bị ong đốt. Theo thông tin trên báo Dân Trí, nguyên nhân của vụ việc hàng chục trẻ bị ong đốt nhập viện là do một em học sinh nghịch ngợm, ném vỡ tổ ong trong giờ ra chơi.

Một học sinh trường tiểu học Yên Sở được đưa vào khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khám vì bị ong đốt

Một học sinh trường tiểu học Yên Sở được đưa vào khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khám vì bị ong đốt

TS.BS Nguyễn Công Long, trực Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ban đầu nhóm học sinh bị ong đốt được đưa đến Trung tâm chống độc của bệnh viện. Sau đó, các cháu được chuyển xuống khoa Nhi và hiện khoa Nhi cùng Trung tâm chống độc vẫn đang phối hợp, theo dõi các bé. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dù số lượng bệnh nhân đông nhưng không phải tất cả các cháu đều trầm trọng, có cháu bị nhiều nốt ong đốt, có cháu chỉ 1 - 2 nốt ong đốt.

“Đa phần các cháu đều nhẹ nhưng vì bị ong đốt tập thể nên các cháu tinh thần hoảng loạn. Sau khi thăm khám kỹ, có khoảng 10 học sinh bị nhiều vết đốt nhưng chỉ có 3 em buộc phải giữ lại viện để được theo dõi, còn các trường hợp khác đều được cho về nhà theo dõi vì nốt đốt ít, không nguy hiểm cho trẻ”, một bác sĩ cho biết.

Đến khoảng 21h ngày 4/11, đã có 48 em học sinh đã được xuất viện. Còn 3 học sinh bị ong đốt nặng, nhiều nốt là cháu Trịnh Tuấn Linh (6 tuổi), Nguyễn Trí Thành (11 tuổi), Đinh Cao Minh (7 tuổi). Trong đó cháu Linh và Thanh bị nặng nhất với khoảng 10 vết đốt ở đầu và tay, đang được chỉ định làm xét nghiệm thử máu và nước tiểu để xác định mức độ ảnh hưởng của nọc độc.

Người nhà bệnh nhi đang chăm sóc các trẻ bị ong đốt ở bệnh viện Bạch Mai

Người nhà bệnh nhi đang chăm sóc các trẻ bị ong đốt ở bệnh viện Bạch Mai

Đáng chú ý, theo các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây khá nhiều người bị ong đốt, đặc biệt có trường hợp trẻ em bị ong đốt rất nghiêm trọng. Cụ thể, trước khi xảy ra vụ việc hàng chục học sinh tiểu học ở Hà Nội bị ong đốt tập thể phải nhập viện, trưa 2/11, cháu Lý Quỳnh Trang (13 tuổi ở Mai Châu, Hoà Bình) đang đi lấy củi nấu cơm trưa cùng các bạn ở lớp học bán trú đã bất ngờ bị ong  vò vẽ đốt.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, so với các bạn cùng bị ong đốt, cháu Trang bị nặng nhất với 115 mũi khắp người. Theo lời các bác sỹ Trung tâm chống độc, người bình thường bị ong đốt 10 mũi đã nguy hiểm tính mạng, với Trang ngay sau khi bị ong đốt cháu đã bị sốc, rét run, khó thở, không nhìn thấy gì...

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Mai Châu, Hoà Bình cấp cứu, cháu đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp bị ong đốt như Trang rất nặng, cần được lọc máu kịp thời. Được biết hoàn cảnh gia đình cháu rất khó khăn, mẹ cháu mắt mờ, còn bố cháu bỏ đi đã lâu. Cháu Trang nằm viện chỉ có anh họ và chị dâu chăm sóc.

Cháu Lý Quỳnh Trang đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì bị ong đốt tới hơn 100 mũi

Cháu Lý Quỳnh Trang đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì bị ong vò vẽ đốt tới hơn 100 mũi

Trước tình hình số trường hợp bị ong đốt có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian này, các bác sĩ cảnh báo tùy theo số lượng nhát đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, biết cách xử trí khi bị ong đốt là hết sức cần thiết. Khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn.

Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, sau khi bị ong chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra, có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau giảm đau và giảm sưng.

Các dấu hiệu chứng tỏ nạn nhân bị ong độc đốt là: nạn nhân than mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi mẩn, tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác. Phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

Tuyết Trịnh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang