Biến chứng do sử dụng sản phẩm peel da, xóa nám trôi nổi trên mạng
5 năm liên tiếp, SHB trong TOP 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam
'Chìa khóa vàng' cho nền kinh tế số
TECHFEST 2024: Khai mạc Triển lãm sản phẩm - dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Peel da là phương pháp sử dụng hóa chất, thường là axit để phá hủy tế bào ngoài cùng của da và lớp này được tái tạo tự nhiên. Hoạt chất thường được dùng gồm salicylic axit (BHA), glycolic axit (AHA), trichloroacetic axit (TCA), retinol... Có ba mức độ peel da là nông, trung bình, sâu và nên được bác sĩ chỉ định. Song nhiều người tự sử dụng các sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường để tự thực hiện tại nhà.
Một tài khoản trên mạng xã hội TikTok quảng cáo về sản phẩm được nhập từ Hàn Quốc có khả năng "đánh bay mọi mảng nám lâu năm trên da mặt". Theo đó, tài khoản này đưa ra hình ảnh một phụ nữ được bôi lớp dung dịch lên mặt, sau khi dung dịch khô, da có màu sậm đen như cháy nắng và được một người khác dùng nhíp lột lớp da ngoài để lộ phần da non mỏng, căng, trắng hồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, các sản phẩm trong quảng cáo trên thực chất là peel da sâu bằng hóa chất sẽ gây ăn mòn da, bỏng, nhiễm trùng, sẹo, giảm sắc tố da.
Tương tự, chị Kim, 45 tuổi, ngụ Hậu Giang mua hũ kem 200 g bán trên mạng xã hội với quảng cáo "mặt nạ phân hủy nám an toàn, phù hợp mọi làn da, dùng hàng tuần và trước khi ngủ". Thoa lần đầu và để qua đêm, da chị Kim mềm mịn, sáng hơn, tuy nhiên sau ba lần bôi kem da bắt đầu bị biến chứng. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh khám, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, chẩn đoán bỏng do peel da sâu quá liều và để hóa chất trên da quá lâu.
Chuyên gia khuyến nghị peel da an toàn là mỗi lần thoa trên mặt chỉ khoảng 1-5 phút rồi rửa ngay, khoảng cách giữa hai lần thực hiện tối thiểu một tháng để da có thể tái tạo, hồi phục. Bác sĩ Bích chỉ định chị Kim bôi thuốc làm dịu da, dùng thuốc kháng viêm, 5 ngày sau giảm nóng rát, mặt hết sưng, da gần trở lại bình thường.
Sản phẩm được quảng cáo trên mạng khẳng định "đánh bay mọi mảng nám lâu năm trên mặt".
Không ít sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội với công dụng "mặt nạ tái sinh da nám", "phân hủy nám", "kem tái sinh làn da". "Các sản phẩm này có thể chứa chất cấm hoặc nồng độ vượt mức cho phép sử dụng trong mỹ phẩm như thủy ngân, corticoid, hydroquinone, axit nồng độ cao, gây biến chứng cho người dùng", bác sĩ Bích giải thích và cho biết thêm, đắp mặt nạ phân hủy nám thực chất là peel da sâu bằng hóa chất, dễ gây biến chứng.
Các thành phần có tính tẩy da mạnh giúp hết sạm nám nhanh, da trắng đều màu trong thời gian ngắn nhưng gây ra nhiều phản ứng phụ nguy hiểm như hoại tử da, bỏng da do hóa chất khiến lở loét da, teo da, mỏng da, giãn mạch, nhạy cảm với ánh sáng hơn (dễ bắt nắng).
Chị Kim là một trong hơn 80 ca bị biến chứng do làm đẹp tới bệnh viện Tâm Anh điều trị mỗi tháng. Theo BSCKI Lương Thị Giang Lam, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều người không biết đã mua phải hàng giả hàng nhái, kém chất lượng, đến viện khám do da bị kích ứng. Khi tự làm đẹp tại nhà, nhất là tự peel da, tẩy trắng hoặc xóa nám, nhiều người cũng không nắm rõ quy trình, tác dụng của các hoạt chất, kiểm soát nhiễm khuẩn và các bước chuẩn bị cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả.
BSCKI Võ Thị Tường Duy, đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 khuyến cáo nên sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, tốt nhất nên được bác sĩ kê đơn để phù hợp từng tình trạng da. Trường hợp cần peel tại nhà chỉ nên sử dụng chế phẩm nồng độ nhẹ, có tác dụng tẩy tế bào chết 2-3 lần mỗi tuần, ngưng ngay nếu da nổi mẩn đỏ, ngứa, mề đay, mụn mủ, mụn nước, đau, rát...
Người làm đẹp nên chọn cơ sở y tế chuyên khoa, có đủ trang thiết bị, quy trình thủ thuật chặt chẽ, các phương tiện phòng hộ và cấp cứu để đảm bảo an toàn. Sau peel da nên nghỉ dưỡng và sử dụng kem bôi giúp da phục hồi, tái tạo, đồng thời thoa kem chống nắng hàng ngày, che chắn trước khi ra ngoài.
Thanh Hiền (t/h)