Phát hiện số lượng lớn sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc tại Bình Dương

author 11:41 03/12/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an thành phố Dĩ An phát hiện trên 100.000 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại điểm tập kết hàng hóa của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội – Chi nhánh dịch vụ vận tải đa phương thức tại Ga Sóng Thần.

Qua khám nơi cất giấu hàng hóa trong 2 container số 529827-7 và 528395-5, ghi nhận có 102.399 đơn vị sản phẩm các loại (quần áo, giày dép, linh kiện điện tử, mỹ phẩm, đồ chơi kích dục, dụng cụ gia đình…) chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với hàng hóa.

Theo trình bày của đơn vi vận tải, toàn bộ hàng hóa nêu trên được vận chuyển từ ga Yên Viên vào ga Sóng Thần tỉnh Bình Dương. Công ty có ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho 2 công ty là Viettel và Iqmax, vận chuyển hàng hóa trong 2 container trên đến ga Sóng Thần từ ngày 23 đến 27/11.

Các sản phẩm nhập lậu đã bị cơ quan chức năng thu giữ để điều tra làm rõ. Ảnh tư liệu 

Đến sáng 30/11, do lô hàng quá lớn, có nhiều mặt hàng khác nhau nên các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp để kiểm kê. Toàn bộ hàng hóa chứa trong container CIPU 5283955-5 được ghi nhận ban đầu là do Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (quận Tân Bình, Tp.HCM) gửi cho Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội – Chi nhánh dịch vụ vận tải đa phương thức.

Nhưng vào thời điểm lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, đại diện phía Công ty TNHH MTV Logistics Viettel và Chi nhánh dịch vụ vận tải đa phương phương thức có mặt tại hiện trường nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với hàng hóa nêu trên.

Hiện lực lượng CSGT và Quản lý thị trường cùng các đơn vị phối hợp đã tiến hành niêm phong, lập biên bản tạm giữ hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:
1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang