Bộ Công thương trả lời vụ sữa dê Danlait

author 20:08 06/05/2013

(VietQ.vn) - Ban chỉ đạo 127 Trung ương và Cục Quản lý Thị trường đã thống nhất, có văn bản gửi cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên quan yêu cầu vào cuộc, xử lý sớm vụ việc. Tuy nhiên, đến nay bản thân Cục Quản lý Thị trường vẫn chưa nhận được phản hồi nào của các bên liên quan.

Lực lượng mỏng khó kiểm soát hàng Trung Quốc nhập lậu

Ngày 6/5, tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 4/2013, lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường cho biết, tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... có chiều hướng gia tăng từ đầu năm đến nay.

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng tấn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa. Ảnh: N. M
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng tấn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa.

Tính chung cả 4 tháng đầu năm, lực lượng kiểm soát thị trường đã kiểm tra 58.387 vụ, xử lý 28.383 vụ vi phạm, bao gồm 4.528 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 4.203 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 13.166 vụ kinh doanh trái phép và 5.972 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; thu 101,49 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 67,7 tỷ; tiền bán hàng tịch thu là 33,59 tỷ và truy thu thuế là 354,24 triệu đồng.

Điển hình như tháng 4 vừa qua, đã kiểm tra 18.378 vụ, xử lý 6.545 vụ vi phạm, trong đó có 1.355 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 1088 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; 2.894 vụ vi phạm trong kinh doanh và 1.208 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá. 

Các sai phạm liên quam đến kinh doanh xăng dầu, 4 tháng đầu năm, đã xử lý 58 vụ vi phạm. Đối với kinh doanh gia cầm và nội tạng gia súc, gia cầm, đã thu giữ 26.100 kg gà lông, gần 350.000 quả trứng gà, 48.500 kg phụ phẩm gia cầm, 526.000 con gà giống, 96.754 kg gà thịt…

Riêng với vấn đề thủy sản nhập lậu, đặc biệt là cá tầm, cá quả, ếch, cá trê... nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương cho rằng, do tiếp giáp với nước có nguồn thủy sản phong phú, đường biên giới dài, lực lượng biên phòng, hải quan... mỏng nên thủy sản nhập lậu nhiều và khó kiểm soát. Dù cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp xử lý nhập lậu thủy sản nhưng do lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn bất chấp hành vi vi phạm và các quy định của pháp luật.

Gần đây tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã bắt giữ được gần 2 tấn cá tầm nhập lậu, 9000 con cá trê. Tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng thu được 1.300 kg thủy sản...

Nóng vấn đề xe đạp điện và sữa

Trong những tháng qua, đáng chú ý đối với mặt hàng sữa, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ 49.781 chai, hộp, lon sữa. Vi phạm chủ yếu là sữa nhập lậu, sữa quá hạn sử dụng, mập mờ tiêu chuẩn hàm lượng dinh dưỡng để gian lận về thuế trong kinh doanh sữa, mập mờ nguồn gốc xuất xứ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xử lý rứt điểm sự việc về sữa dê Danlait. Ảnh: N. M
Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xử lý dứt điểm sự việc về thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait. Ảnh: N. M

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam về sự việc sai phạm của Công ty TNHH Mạnh Cầm liên quan đến thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait bị QLTT thu hàng nghìn sản phẩm và vụ việc đang bị kéo dài thời gian, xử lý quá chậm, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127 Trung ương và Cục Quản lý Thị trường đã thống nhất, có văn bản gửi cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên quan yêu cầu vào cuộc, xử lý sớm vụ việc. Tuy nhiên, đến nay bản thân Cục Quản lý Thị trường vẫn chưa nhận được phản hồi nào của các bên liên quan.

"Cơ quan chức năng Bộ Công Thương thống nhất quan điểm, xử lý sớm sự việc sữa Danlait theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước làm ăn chân chính", ông Lam nói.

Theo ông Lam, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đã làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, chẳng kém gì các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, giá cả hợp lý.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tham gia và trực tiếp cắt băng khánh thành siêu nhà máy sữa bột tại Bình Dương của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), một doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa ở Việt Nam...

Đó là những minh chứng cho việc năng lực sản xuất sữa trong nước không ngừng phát triển về sản phẩm, quy mô sản xuất và khả năng đáp ứng cho thị trường trong nước.

Điều đó rất cần được bảo vệ và phát triển. Đặc biệt là khi những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng khó kiểm soát.

Liên quan đến việc hiện tại có sự lộn xộn trong việc gọi tên các sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung sữa và các thành phần. Lúc thì gọi là sản phẩm thực phẩm bổ sung; thực phẩm dinh dưỡng bổ sung; lúc lại gọi là sản phẩm dinh dưỡng... Ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, sản phẩm nào, chất lượng và giá cả đó. Việc gọi tên cần phản ánh đúng bản chất, công dụng và cũng cần có một tên gọi thống nhất cho sản phẩm.

Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề sữa, hiện nay quy định của nhà nước thể hiện rõ ràng, sản phẩm sữa phải đáp ứng đủ quy chuẩn quy định, tuy nhiên trên thị trường nhiều sản phẩm sữa vẫn không ghi nhãn theo hợp chuẩn, hợp quy.

Ông Lam cho biết, việc đó sẽ được cơ quan chức năng Bộ Công Thương, Cục Quản lý Thị trường làm việc với cơ quan chức năng Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm có những kết luận cuối cùng.

Thị trường xe đạp điện những thánh gần đây diễn biến lộn xộn. Ảnh: N. M
Thị trường xe đạp điện những tháng gần đây diễn biến lộn xộn. 

Với vấn đề kiểm soát thị trường xe đạp điện, Cục Quản lý thị trường cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, nhập khẩu và nhập lậu mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha, Bridgestone.

Lực lượng chức năng đã phát hiện được 18 vụ kinh doanh xe đạp điện sai quy định. Các sai phạm tập trung vào những hành vi như bán hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu và về giá cả.

Bước đầu Chi cục Quản lý thị trường phạt hành chính 74,75 triệu đồng, trong đó có 13 vụ vi phạm về hàng lậu, 5 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Honda; đã tịch thu 57 chiếc xe đạp điện nhập lậu và tịch thu, tiêu huỷ 8 chiếc xe giả mạo nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng đang chỉ đạo làm rõ các hành vi gian lận, làm rõ nguồn gốc, giá cả, hoá đơn, bởi nhiều xe đạp điện hoá đơn nhập về ghi giá 2 triệu nhưng thực tế bán cho người tiêu dùng 10 triệu/1 chiếc.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Đỗ Thanh Lam cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung kiểm soát các mặt hàng mà người dân quan tâm như phân bón, xăng dầu,… Đồng thời, Cục tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, xử lý mạnh các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang