Từ 30/10, sữa tươi, tổ yến cần giám sát vệ sinh thú y khi sử dụng làm thực phẩm

author 10:33 26/10/2022

(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa bổ sung sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, tổ yến, sản phẩm động vật nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm vào đối tượng giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 31/10/2022.

Về quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm, theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: 1- Động vật đưa vào giết mổ; 2- Thịt và sản phẩm thịt tại cơ sở giết mổ và kinh doanh; 3- Mật ong tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh; 4- Các loại sản phẩm động vật khác khi có yêu cầu.

Sửa đổi, bổ sung 5 đối tượng giám sát

Tại Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã sửa đổi, bổ sung đối tượng giám sát gồm: Động vật đưa vào giết mổ; Thịt và sản phẩm thịt tại cơ sở giết mổ và kinh doanh; Sữa tươi nguyên liệu, mật ong, tổ yến tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh; Sản phẩm động vật nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm; Các loại sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm khác khi có yêu cầu.

Xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát

Thông tư nêu rõ, kế hoạch, nội dung giám sát sản phẩm động vật xuất khẩu và nhập khẩu như sau: Hằng năm Cục Thú y chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí thực hiện; báo cáo Bộ kết quả giám sát, phân tích mẫu và kế hoạch thực hiện năm tiếp theo; ban hành văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sản phẩm động vật khi có yêu cầu; ban hành văn bản thông báo tới cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu, yêu cầu điều tra nguyên nhân, có hành động khắc phục và gửi báo cáo cho Cục Thú y khi mẫu giám sát không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam.

Kế hoạch, nội dung giám sát sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước: Hằng năm, cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và trình cơ quan có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện; phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch được phê duyệt.

Về việc lấy mẫu phân tích và kinh phí phân tích mẫu giám sát, theo Thông tư, Cục Thú y tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm động vật theo kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp kinh phí.

Cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm động vật theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí.

Trường hợp cơ sở trong kế hoạch giám sát đã được phê duyệt có mẫu giám sát không bảo đảm yêu cầu theo quy định hiện hành hoặc cơ sở tham gia giám sát tự nguyện hoặc giám sát theo yêu cầu của nước nhập khẩu, chủ cơ sở phải chi trả chi phí phân tích mẫu giám sát;

Việc kiểm tra, giám sát mật ong thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong.

Hoạt động giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được thực hiện như sau: Đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm nhập khẩu: thực hiện đồng thời với hoạt động kiểm dịch.

Đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu; vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh: Thực hiện đồng thời với hoạt động giám sát vệ sinh thú y cơ sở.

 Từ 30/10, sữa tươi, tổ yến cần giám sát vệ sinh thú y khi sử dụng làm thực phẩm.

Nhằm đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất và sản phẩm đầu ra liên quan các sản phẩm về sữa, tại Việt Nam, các bộ ban ngành liên quan đã xây dựng một bộ quy chuẩn CVN 01-186: 2017/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu. 

Được biết, sữa tươi nguyên liệu trong quy chuẩn này là sữa nguyên chất dạng lỏng thu được từ bò, trâu, dê, cừu, chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa, chưa xử lý qua bất kỳ phương pháp nào, được dùng làm nguyên liệu để chế biến. Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý đối với sữa tươi nguyên liệu. Quy chuẩn được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ban hành một số bộ tiêu chuẩn liên quan đến sữa và sản phẩm làm từ sữa: TCVN 7028:2009: Sữa tươi tiệt trùng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sữa tươi tiệt trùng được sản xuất từ sữa động vật (bò, trâu, dê, cứu...) để sử dụng trực tiếp.

TCVN 7030:2016: Sữa lên men. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại sữa lên men gồm: sữa lên men đã qua xử lý nhiệt, sữa lên men đậm đặc và các sản phẩm sữa hỗn hợp, để dùng trực tiếp hoặc để chế biến tiếp. 

TCVN 7404:2004 Sữa bột gầy. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sữa bột đã tách chất béo được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến các sản phẩm sữa tiếp theo.

TCVN 7979 : 2009 Sữa bột và Cream bột. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại sữa bột và cream bột để sử dụng trực tiếp hoặc chế biến tiếp.  

Minh Hằng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang