Bộ Tài chính Ấn Độ cấm sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo do lo ngại bảo mật

author 16:55 14/02/2025

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính Ấn Độ đã yêu cầu các nhân viên tránh sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm ChatGPT và DeepSeek cho mục đích công việc chính thức, do lo ngại về rủi ro bảo mật đối với tài liệu và dữ liệu của Chính phủ.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Thông báo do Tổng thư ký Bộ Tài chính Ấn Độ Pradeep Kumar Singh ký, cảnh báo rằng các ứng dụng AI chạy trên máy tính văn phòng có thể gây nguy hiểm cho thông tin nhạy cảm của chính phủ. Để giải quyết những lo ngại này, Bộ tài chính Ấn Độ đã khuyến cáo tất cả nhân viên không sử dụng các công cụ như vậy trên các thiết bị chính thức của chính phủ.

Động thái này của Bộ Tài chính Ấn Độ nhằm đối phó với mối lo ngại toàn cầu liên quan đến các nền tảng AI xử lý dữ liệu nhạy cảm. Nhiều mô hình AI, bao gồm ChatGPT, xử lý dữ liệu đầu vào của người dùng trên các máy chủ bên ngoài, làm dấy lên mối lo ngại về rò rỉ dữ liệu hoặc truy cập trái phép.

Hai ứng dụng AI bị Bộ Tài chính Ấn Độ cấm nhân viên sử dụng do lo ngại bảo mật. Ảnh: Reuters/Dado Ruvic

Tương tự, các quốc gia như Úc và Ý đã áp dụng các hạn chế tương tự đối với việc sử dụng DeepSeek, bởi những rủi ro về bảo mật dữ liệu. Nhiều quốc gia khác ở châu Âu và trên thế giới cũng đang xem xét các biện pháp tương tự đối với công ty AI này.

“Các công cụ và ứng dụng AI (như ChatGPT, DeepSeek) trên máy tính và thiết bị văn phòng tiềm ẩn rủi ro đối với tài liệu và dữ liệu chính phủ,” thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ nêu rõ.

Đến nay, OpenAI tuyên bố chỉ sử dụng dữ liệu có sẵn công khai, không vi phạm các nguyên tắc về bản quyền và Tòa án Ấn Độ không có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này. OpenAI lập luận rằng các điều khoản sử dụng của họ yêu cầu mọi tranh chấp phải được giải quyết tại Mỹ và họ không đặt máy chủ hay trung tâm dữ liệu tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý Ấn Độ cho rằng lập luận của OpenAI không phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Việc OpenAI cung cấp dịch vụ cho người dùng Ấn Độ đủ để tòa án nước này có thẩm quyền xử lý vụ việc, tuyên bố sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho "hành động toàn cầu" trong việc ứng dụng AI.

Hiện tại, Việt Nam chưa có động thái cấm sử dụng các công cụ AI như ChatGPT hay DeepSeek trong các cơ quan chính phủ. Việt Nam khẳng định quan tâm đến việc phát triển hợp tác trong ứng dụng AI. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI tại Paris, Việt Nam cùng 60 quốc gia khác đã ký kết Tuyên bố chung, kêu gọi thúc đẩy quản lý AI trên phạm vi toàn cầu, đảm bảo công nghệ này phát triển theo hướng minh bạch, công bằng và bền vững.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang