Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ bị Đà Nẵng kiện ra tòa

author 11:28 21/02/2014

Đà Nẵng khẳng định sẽ kiện Bộ Tài nguyên Môi trường và Thủy điện Đăk Mi 4 ra tòa, nếu không sửa Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định, cơ sở cho việc khởi kiện này là việc Bộ lập quy trình vận hành hồ chứa gây thiệt hại lớn cho hạ du, còn kiện thủy điện Đăk Mi 4 gây ra thiếu nước. 

Trao đổi với PV,  ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, Phó ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, cho biết nếu áp dụng mực nước 2,53m tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) như trong Dự thảo để các thủy điện (chủ yếu là Đăk Mi 4) làm cơ sở vận hành, xả lũ vào mùa khô, sẽ gây thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và nhà máy nước Cầu Đỏ.

Theo tính toán, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi khoảng 1.300 triệu m3 nước của sông Vu Gia mỗi năm. Trong khi đó, hồ A Vương chỉ mới bổ sung lại 266 triệu m3, giảm 50% dung tích theo quy hoạch được duyệt. Nếu thực hiện theo quy trình vận hành mới, hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn vẫn thiếu đến 700 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện như trước đây.

"Đơn vị tư vấn lập dự thảo quy trình chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp lợi ích của gần 1,7 triệu người dân sống ở hạ du sông Vu Gia thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng như thành phố Đà Nẵng. Những địa phương này luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, thực tế thiệt hại của hạ du sông Vu Gia lớn hơn 5 đến 10 lần lợi ích kinh tế mà thủy điện Đăk Mi 4 mang lại. Mỗi năm, nếu 10.000 ha đất trồng lúa ở hạ du sông Vu Gia bị thiệt hại khoảng 30% thì người dân sẽ mất đi số tiền 200 tỷ đồng, chưa kể hoa màu, dịch bệnh phát sinh do thiếu và ô nhiễm nguồn nước. Nhà máy nước Cầu Đỏ, cung cấp nước cho người dân toàn bộ khu vực này, đang phải bỏ thêm chi phí xử lý ô nhiễm, bơm thêm nước cách nhà máy 10km, riêng năm 2013 tiêu tốn 13 tỷ đồng. Người dân phải "gánh" giá nước tăng cao. 

Để chia sẻ nguồn nước, Đà Nẵng đề xuất mực nước cơ sở vận hành tại trạm thủy văn Ái Nghĩa sẽ là 2,8 m (chứ không phải 2,53 m) nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của thủy điện và hạ du. "Đà Nẵng đã có văn bản góp ý tại cuộc họp ở Hà Nội, nhưng dường như không được chú ý, phía Bộ vẫn duy trì mực nước như dự thảo ban đầu là điều không ai tưởng tượng nổi", ông Thắng nói.

Liên quan tới Dự thảo quy trình xả lũ mới với nội dung "trong 24h, dự báo nước đổ về hồ trên 500m3/s tại hồ Đăk Mi 4 thì vận hành để xả ra đưa về mực nước đón lũ", ông Thắng bày tỏ: "Bộ làm Đà Nẵng quá thất vọng vì chỉ cho góp ý quy trình vận hành mùa lũ thôi, còn Bộ bảo lưu dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa, mọi việc coi như mặc nhiên xong rồi".  

Theo ông Thắng, quy trình xả lũ mới cũng không thể vận hành được. Lý do là các hồ chứa nằm ở thượng nguồn trên núi cao, mưa xuống là chảy liền về hồ. Đợt mưa lớn năm vừa qua chỉ hơn 6 giờ đồng hồ đã gây lũ, nên không thể kéo dài thời gian dự báo đến 24 giờ.

Ngày 13/2, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có công văn phản hồi về việc xả nước sông Vu Gia, khẳng định các nội dung liên quan đến xả nước của Thủy điện Đăk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án.

Chiều 18/2, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết công văn của Cục Quản lý tài nguyên nước là vô lý. Phía Cục vẫn đặt lợi ích của thủy điện lên trên lợi ích của 1,7 triệu dân, vi phạm nghiêm trọng điều 60 của Luật Tài nguyên nước là gây hạn hán, thiếu nước nhân tạo.

"Tôi có nghe tin Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo giải trình Thủ tướng, trong đó nói rằng nếu Đăk Mi 4 xả nước trả lại sông Vu Gia theo đề nghị của Đà Nẵng sẽ làm thủy điện này thiệt hại từ 55 đến 145 tỷ đồng. Cái này lại càng vô lý, bởi cái gì thủy điện có mà bị mất đi thì mới gọi là thiệt hại. Còn đây, họ lấy nước từ tự nhiên nên không thể coi là thiệt hại", ông Thắng nói thêm.

Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế ... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.

Công văn của Bộ cho rằng: "Trong quá trình xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn, Bộ Tài nguyên và môi trường đã chỉ đạo Tổ soạn thảo cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ tập trung nghiên cứu, phân tích các đặc điểm cụ thể của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Cụ thể như: hệ thống hồ, tình hình thông tin, số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, tình hình hạn hán trên lưu vực, các yêu cầu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới hạ du các hồ chứa; vấn đề chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn; nhu cầu về khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa và nghiên cứu, tính toán các phương án phối hợp vận hành điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm hài hòa giữa cấp nước cho hạ du với phát điện trong từng thời kỳ cụ thể, trong đó đã xem xét, cân nhắc ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm cấp nước cho hạ du (bao gồm cả TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) trên nhiệm vụ phát điện như đã được thể hiện ở phần nội dung quy định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên vận hành các hồ trong mùa cạn.

Bộ cũng khẳng định, sau gần hai năm nghiên cứu, xây dựng hàng trăm phương án với sự tham gia góp ý, hoàn chỉnh hoặc trực tiếp tính toán và đã xin ý kiến tới 13 cơ quan, đơn vị liên quan (gồm cả UBND TP. Đà Nẵng) để xin ý kiến góp ý cho dự thảo Quy trình.

"Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị đều thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Quy trình, các ý kiến góp ý cụ thể đều đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, nghiêm túc tiếp thu hoặc giải trình cụ thể", công văn ghi rõ.

Do đó, Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định: "Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng để bảo đảm có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, bảo đảm chất lượng xây dựng quy trình, quá trình xây dựng Dự thảo quy trình đã được Bộ áp dụng như trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật".

Đến nay, Bộ Tài nguyên và môi trường đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo quy định phần vận hành trong mùa lũ (điều chỉnh, bổ sung toàn diện so với quy trình vận hành trong mùa lũ đã được ban hành) và rà soát kỹ một số ý kiến góp ý cho phần dự thảo quy định trong mùa cạn, trong đó có ý kiến của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn TP.  Đà Nẵng, Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện... để hoàn thiện Dự thảo quy trình.

Công văn khẳng định, cùng với góp ý của các cơ quan, đơn vị và các địa phương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng các chuyên gia rà soát, tính toán các phương án vận hành theo hướng tối ưu hóa các nhu cầu dùng nước hạ du cũng như hiệu quả phát điện, tránh gây lãng phí tài nguyên và điều chỉnh dự thảo Quy trình trong đó có việc vận hành của hồ Đắk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia, cụ thể như sau:

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m, hồ Đắk Mi 4 xả 25m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường;

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa trong khoảng từ 2,53 m đến 2,67 m, hồ Đắk Mi 4 xả 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 8 m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường;

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa lớn hơn 2,67m, hồ Đắk Mi 4 xả 8 m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 5 m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường.

 

Theo Vnexpress - Datviet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang