Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Xử lý nghiêm những dự án đội vốn, chất lượng kém
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp
Bộ trưởng Tô Lâm: Duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm tín dụng đen
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội diễn ra sáng nay (5/6), Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về vấn đề dự án đội vốn trong ngành GTVT. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, hiện nay, các dự án của ngành GTVT có nhiều tồn tại, trong đó nổi bật là chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng kém. Vậy có truy trách nhiệm cá nhân đến cùng hay chỉ tập thể?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua Thanh tra Bộ đã thanh tra các dự án mà báo chí và người dân phản ánh về chất lượng. Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với Thanh tra các Bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý.
Với những dự án, công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan, do chủ đầu tư thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an xử lý.
Đối với các dự án đội vốn, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số đều rơi vào dự án đường sắt đô thị. Đây là dự án được phê duyệt trước năm 2008, đến năm 2008 - 2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá đến gần 20%. Thống kê từ năm 2009 - 2013 trượt giá khoảng 49%. Với yếu tố công nghệ mới, trượt giá, thay đổi chủ trương, quy mô đầu tư nên dự án một số hạng mục có đội vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ: “Những dự án dư luận quan tâm, Bộ đã cùng cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này. Về trách nhiệm của Bộ, đã điều chỉnh một số giám đốc dự án, đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm làm hoàn thành nhiệm vụ mặc dù các cơ quan đơn vị đề nghị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời thanh tra và xử lý cán bộ”.
Cùng với đó, chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu vấn đề: Sau kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, 2 Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ GTVT với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.
"Vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không và có lợi ích nhóm ở đây hay không?", Đại biểu Phương đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước".
Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông Vận tải đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ Giao thông Vận tải không đồng ý kiểm toán dự án.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Bộ trưởng cho biết đã giải trình vấn đề này một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu.
Đồng thời, trả lời về việc xử lí dứt điểm các dự án tồn đọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã đề nghị bố trí 69 dự án nằm rải rác ở các địa phương, chi phí khoảng 2.200 tỷ đồng, dự kiến lấy trong phân bổ vốn dự phòng.
Đây là các dự án được khởi công trước năm 2015 khi Luật Đầu tư công chưa có hiệu lực. Bộ trưởng mong Quốc hội đồng ý phân bổ vốn để xử lý dứt điểm các dự án này.
“Chúng tôi cam kết từ giờ sẽ không có những dự án kiểu này, mà chuyển sang mô hình hợp tác công tư (BT). Mong Quốc hội trong kỳ phân bổ khoảng 2.400 tỷ đồng để trả chi phí thi công các công trình này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
Thanh Minh