Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cần trao quyền cho nhà khoa học

author 09:16 13/09/2012

(VietQ.vn) - Nhà nước cần phải trao quyền cho các nhà khoa học nhất là đối với các nhà "khoa học lớn" để họ có quyền tự quyết.

Khoa học và công nghệ là "cứu cánh" của đất nước.

Nhìn lại thành tựu của hơn 20 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích, kết quả mà đất nước đạt được từ trước đến nay chủ yếu do 3 yếu tố:

Thứ nhất, do đất nước tiến hành thay đổi cơ chế, tháo gỡ, xóa bỏ quan liêu bao cấp; Thứ hai, do việc áp dụng luật doanh nghiệp, cùng với do nhân công giá rẻ nên thu hút được đầu tư nước ngoài; Thứ ba, do tài nguyên của đất nước chúng ta rất phong phú - Hiện hầu hết chúng ta đang xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dạng thô và đổi lại phải nhập khẩu chế biến từ các quốc gia khác.

Người đứng đầu Bộ KH&CN Việt Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh việc đương đầu với các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trên thế giới thì đất nước chúng ta đã tiến đến giai đoạn không thể phát triển bằng cách tháo gỡ cơ chế hay dựa vào giá rẻ nhân công của lao động như trước kia.

Suốt nhiều năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân rất trăn trở với những khó khăn của các nhà khoa học hiện nay
Suốt nhiều năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở với những khó khăn của các nhà khoa học hiện nay

Bởi chúng ta đã trở thành thành viên WTO, các cơ chế cũ đã tháo bỏ, chúng ta cũng đã vượt qua ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình, lao động giá rẻ cũng không còn nhiều giá trị, đất nước cũng không còn nhiều tài nguyên để xuất khẩu và thực tế chúng ta đã bắt đầu phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ bên ngoài ngay cả sản lượng dầu mỏ khai thác cũng càng ngày càng thấp đi so với trước.

Đứng trước tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Đảng và Nhà nước cũng đã thể hiện 3 đột phá tập trung vào thể chế - Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ – kết cấu hạ tầng.

"Đất nước nếu muốn phát triển tiếp theo cần phải dựa vào KH&CN. Coi KH&CN là cứu cánh cùng với giáo dục đào tạo con người", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng dẫn lời ví von rằng: Vẫn đồng ruộng ấy, diện tích ấy trong khi dân số ngày càng đông hơn. Từ chỗ nhập khẩu lúa gạo, chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tất cả điều đó là do KH&CN.

"Nếu không có KH&CN tìm tòi, nghiên cứu ra các giống lúa mới năng suất hiệu quả cao hơn; Nếu không có KH&CN sáng chế ra các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh; Nếu không có KH&CN để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa thì liệu  với diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần, dân số đang tăng lên như hiện nay thì chúng ta có  thể đạt được những thành tựu như vừa qua", Bộ trưởng giải thích rõ.

Tháo "nút thắt" cho nhà khoa học

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN đang chờ Thủ tướng quyết định. Thực tế cho thấy, sau 12 năm đi vào cuộc sống luật KH&CN đã lạc hậu, không đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn, việc sửa đổi là cần thiết. Hiện nhiều dự thảo quan trọng khác của Bộ KH&CN cũng đã hoàn thành và đang trình Chính phủ xem xét quyết định.

“Đây là 1 chuỗi các vấn đề để hậu thuẫn lẫn nhau để thay đổi cơ chế hoạt động KH&CN ở nước ta. Nhiều điều đã vượt ra ngoài quy định hiện hành, nếu chúng ta không thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu thực hiện đồng bộ các văn bản này chúng ta sẽ có cơ sở để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển hơn nữa góp phần thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, vấn đề hiện nay mà Bộ KH&CN đang quan tâm nhất đó là việc thay đổi phương thức đầu tư; cơ chế đầu tư; chính sách đãi ngộ. Đây là những vấn đề xuyên suốt thời gian qua. Trước đây đã có chuyển biến song không nhiều. Bộ trưởng cho rằng, hiện chúng ta đang phụ thuộc, thụ động vào ngân sách của Nhà nước đầu tư.

“Tiền của Nhà nước sẽ phải chờ đợi rất lâu vì phải thông qua các ban ngành khác nhau kí duyệt. Trong khi đó nếu chúng ta thực hiện chính sách thu hút DN đầu tư vào KH&CN thì sẽ không bị rườm rà, rắc rối và có điều kiện sử dụng hiệu quả nguồn vốn kịp thời, đúng lúc”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ KH&CN cũng chỉ ra rằng, muốn thay đổi cơ chế chính sách thu hút đầu tư cần yêu cầu DN tập trung đầu tư có ý thức. Phải xem đầu tư cho KH là đầu tư cho phát triển, nâng cao chất lượng sản phầm hàng hóa của DN.

Về chính sách đãi ngộ đối với nhà khoa học vốn là vấn đề đang được nhiều cấp, ngành quan tâm hiện nay và là trăn trở của rất nhiều nhà khoa học suốt thời gian dài vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện các nhà khoa học đang chịu rất nhiều thiệt thòi.

“Trong khi chúng ta phải thuê các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài để thực hiện các dự án trong nước và trả lương hậu hĩnh hàng chục nghìn USD thì các nhà khoa học, các kĩ sư của chúng ta chỉ được vài trăm đến vài nghìn USD”, Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở.

Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học. Đối với  những nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có nhiều cống hiến lớn, nhà khoa học thực hiện các dự án lớn của quốc gia, có đóng góp lớn sự phát triển xã hội cần phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt và giao cho họ quyền tổ chức nhân sự, quyền tự quyết thực hiện sau khi đã xem xét các dự án để các nhà khoa học có thể lãnh đạo, chủ trì các công trình lớn mang tầm quốc gia.

Đặt niềm tin vào đoàn thanh niên

Tại buổi nói chuyện với các Đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Bộ KH&CN sáng 12/9, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ sự tin tưởng của mình vào thế hệ các bạn trẻ. Bộ trưởng tin rằng, nếu có chế độ đãi ngộ tốt ,sự đam mê nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Phan Mạnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang