Bộ Y tế tiếp tục đề xuất cấm thuốc lá điện tử vì tiềm ẩn rất nhiều nguy hại
Hiện thực hóa ý tưởng của các startup Việt
'Thổi phồng' công dụng bài thuốc đông y trên mạng xã hội
Chuyển đổi xanh của ngành dệt may, da giày: Thách thức và cơ hội
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 ở người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi.
Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh từ 13 – 17 tuổi cũng tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Trong đó có nhiều tác hại làm ảnh hưởng đến tim, gan, phổi… đặc biệt là ảnh hưởng đến vấn đề loạn thần. Năm 2023 đã có 1.234 người điều trị bệnh liên quan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Cả nước cũng ghi nhận khoảng 40.000 người mỗi năm mắc các bệnh ảnh hưởng tới sức khoẻ do thuốc lá thường.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đề xuất có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc được Quốc hội xem xét và sửa đổi trong thời gian tới.
Cấm thuốc lá điện tử là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe toàn dân, nhất là giới trẻ. Ảnh minh họa
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học, đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã liên tục có đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.
Thông tin thêm về tình trạng hút thuốc lá điện tử, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay, trào lưu hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang ngày càng xâm nhập vào lứa tuổi thanh, thiếu niên (đặc biệt là học sinh, sinh viên). Nhiều người trẻ tuổi đã bị ngộ độc đến mức co giật, ảo giác phải nhập viện.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử trong đó có nhiều mẫu xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Lâu nay, phần lớn người dân và giới trẻ cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có nicotine gây nghiện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, điều này là sai lầm vì trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có ba nhóm nguy cơ gây hại sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Chất nicotine trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là chất gây nghiện mạnh cùng với việc sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn như mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la... khiến người sử dụng trở nên phụ thuộc vào các hương liệu này. Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Ngoài ra, nhiều mẫu bệnh phẩm của người bị ngộ độc thuốc lá điện tử mà Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) gửi đến Viện Pháp y cho kết quả có các chất ma túy với thành phần, gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.
Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp với nhau để phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Đề nghị Nhà nước cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam...
Yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 11/2023/TT-BYT có quy định yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá như sau: Có đặt, in, bố trí biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá.
Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn. Chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài. Kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền. Biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.
Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: Khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm. Đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh. Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 11/2023/TT-BYT, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác.
Ngoài ra, còn có các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: Cơ sở y tế. Cơ sở giáo dục. Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em. Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số 2 Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
An Dương