Dùng kem chống nắng cũng có thể gây bỏng do làn da nhạy cảm với thành phần
Thu hồi kem chống nắng khoáng chất Sheer SPF 30 do nhiễm khuẩn nguy hiểm
Bạc Liêu: Phát hiện nhiều hộ kinh doanh thuốc thủy sản kém chất lượng
Đình chỉ lưu hành, thu hồi lô kem chống nắng Asia Whitening Cream With SPF 50+PA+++ kém chất lượng
Bé trai tên Hector Harvey, 10 tuổi (Anh), nhập viện với những vết bỏng phồng to như vừa bị dội nước sôi, các mảng da bong tróc. Cậu bé gặp tình trạng này khi đang đi nghỉ ở Cape Verde, một quần đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi cùng gia đình.
Ban đầu, cả nhà dùng một loại kem chống nắng của Anh trong hầu hết chuyến đi. Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, hộp kem bị hết và họ quyết định mua một chai kem chống nắng SPF90 từ cửa hàng bên trong khách sạn.
Harvey bôi kem khoảng 30 phút trước khi xuống hồ bơi dưới cái nóng 29 độ C. Cậu bé liên tục được mẹ thoa lại lớp kem suốt cả ngày. Tuy nhiên, khi di chuyển đến sân bay để trở về nhà, Harvey có hiện tượng buồn ngủ, bị phồng rộp một mảng lớn khoảng 8 cm ở ngực, cánh tay và vai.
Gia đình đã gọi đến Dịch vụ Y tế Quốc gia và đưa cậu bé vào Trung tâm Y tế Queen ở Nottingham. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Harvey bị cháy nắng, bỏng da và phải tiểu phẫu để chọc vỡ và làm vệ sinh các vết bỏng rộp.
Bác sĩ cảnh báo, Harvey sẽ đặc biệt dễ bị cháy nắng trong hai năm tới. Mẹ của cậu bé cho biết bà sẽ không bao giờ mua kem chống nắng tại bất kỳ quốc gia nào ngoài Anh.
Cậu bé bị bỏng rộp nhiều nơi trên cơ thể do dùng kem chống nắng. Ảnh: VnExpress
Theo các chuyên gia, kem chống nắng bảo vệ người dùng khỏi hai dạng bức xạ là UVA và UVB. UVA là bức xạ chủ yếu gây tình trạng rám nắng, lão hóa và ung thư. UVB là nguyên nhân chính gây cháy nắng. Chỉ số chống nắng (SPF) là thước đo khả năng bảo vệ khỏi UVB. Ở một số quốc gia, các loại kem chống nắng hóa học chứa avobenzone, chất này đóng vai trò như màng lọc bảo vệ người dùng khỏi UVA. Tuy nhiên, một số người có làn da nhạy cảm, phản ứng xấu với avobenzone, khiến da bỏng rát, đau hơn sau khi bôi kem, đặc biệt là quanh mắt.
Để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời, các chuyên gia khuyến nghị không ra ngoài từ 11h trưa đến 3h chiều, đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chiếu mạnh nhất. Thoa kem chống nắng 30 phút và thoa lại một lần nữa trước khi tiếp xúc với tia UV. Nếu cần thiết, mọi người có thể chọn loại kem chống nắng không thấm nước, thoa lại sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc sử dụng khăn tắm.
Thông tin về việc sử dụng kem chống nắng cho trẻ nhỏ, Bệnh viện Vinmec cũng cho rằng, nếu chỉ nhìn vào các thành phần trong kem chống nắng, cha mẹ thực sự sẽ không thấy nhiều sự khác biệt trong kem chống nắng cho trẻ em so với những loại dành cho người lớn. Về bản chất, giá trị SPF trên mỗi hộp kem chống nắng là điều mà chúng ta cần quan tâm nhất, bất kể đó là loại dành cho người lớn hay trẻ em.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làn da sẽ bị ảnh hưởng bởi tia cực tím và có nguy cơ gây hại cho da chỉ trong vòng 15 phút. Tác động của tổn thương này có thể gây ra các nếp nhăn trên da sớm, nặng hơn có thể gây ra ung thư da. Tác nhân gây hại này là do hai loại tia UV: UVA có bước sóng dài 320-400nm, UVB có bước sóng ngắn hơn 290-320nm. Chúng có bước sóng khác nhau chính vì vậy mức độ thâm nhập vào da cũng khác nhau.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ miêu tả tia UVB là "tia cháy nắng" và tia UVA là "tia lão hóa" lý do vì tia UVB có khuynh hướng gây cháy nắng, tia UVA thì gây nếp nhăn và các đốm đồi mồi. Kem chống nắng sẽ cung cấp một "lá chắn" đối với các tia UV này. Hệ số chống nắng hoặc SPF càng cao thì bức xạ này càng được chống lại nhiều hơn. Điều quan trọng cần được lưu ý là SPF chỉ có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB, chứ không phải UVA. Để bảo vệ da chống lại cả hai, phụ huynh cần chắc chắn rằng mình đang chọn loại kem chống nắng có “phổ rộng”.
Các chuyên gia nói rằng sự khác biệt giữa các số SPF là khá nhỏ sau một thời điểm nhất định, ví dụ kem chống nắng có SPF 15 có thể chặn 93% tia UVB, so với 97% đối với SPF 30.
Sản phẩm kem chống nắng cũng có thể "chịu nước", có nghĩa là SPF trên nhãn vẫn đúng ngay cả khi ngâm mình 40 phút dưới nước. Đối với kem chống nắng có khả năng chịu nước cao, khoảng thời gian đó có thể lên tới 80 phút, giả sử không có khăn lau khô.
Do đó đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dùng kem chống nắng cho bé, không nên tự ý mua và sử dụng không đúng cách sẽ gây hại cho da bé. Khi bôi kem chống nắng cho bé, mẹ phải thật cẩn trọng vì da trẻ rất mỏng manh dễ bị kích ứng. Thoa kem chống nắng một cách thoải mái, bảo đảm là thoa khắp cơ thể, gồm cả mặt sau của đầu gối, tay, chân, lỗ tai, mặt và mũi, tuyệt đối không để kem dính vào mắt bé.
Các bác sĩ da liễu khuyên dùng dòng kem chống nắng phù hợp cho trẻ 1 tuổi trở lên là những loại kem chứa bộ lọc vô cơ như kẽm oxit và titanium dioxide. Vì những thành phần này không xâm nhập vào hai tầng đầu tiên của lớp sừng nên ít gây kích ứng nhưng vẫn cho tác dụng chống tia UVA và UVB hiệu quả.
Kiểm nghiệm kem chống nắng
Kiểm nghiệm kem chống nắng là một bước quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Chứng nhận kiểm nghiệm cho kem chống nắng đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả, bao gồm các chứng nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức độc lập, chuyên ngành và liên quan đến thành phần, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín thương hiệu.
Các tiêu chuẩn quốc tế đánh giá chỉ tiêu kiểm nghiệm kem chống nắng gồm: ISO 24444 - Tiêu chuẩn quốc tế về xác định chỉ số chống nắng SPF của các sản phẩm chống nắng; ISO 24442- Tiêu chuẩn quốc tế về xác định hiệu quả chống tia UVA của các sản phẩm chống nắng; ISO 24443- Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm tra khả năng bảo vệ phổ rộng (Broad-Spectrum Protection) của sản phẩm chống nắng.
Các chỉ tiêu kiểm nghiệm kem chống nắng chuẩn: Chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor): Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB. SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt.
Chỉ số PA (Protection Grade of UVA): Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA. PA được đánh giá bằng số lượng dấu cộng (PA+, PA++, PA+++, PA++++).
Khả năng kháng nước (Water Resistance): Kiểm tra hiệu quả chống nắng của sản phẩm khi tiếp xúc với nước.
Độ an toàn cho da (Dermatological Testing): Đảm bảo sản phẩm không gây kích ứng da, dị ứng hoặc các vấn đề da liễu khác.
Thành phần hóa học: Kiểm tra các thành phần có trong sản phẩm để đảm bảo không chứa các chất cấm hoặc gây hại cho da.
Độ an toàn cho mắt (eye irritation test ): chứng nhận an toàn sử dụng cho các vùng da xung quanh mắt.
Non-Comedogenic: Chứng nhận sản phẩm không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, thích hợp cho da dầu và da dễ bị mụn.
An Dương (T/h)