'Bom' hóa chất trong các khu dân cư ở TP.HCM

author 17:13 22/10/2014

Trên địa bàn TP HCM hiện có khoảng 682 đơn vị hoạt động trong ngành hóa chất. Mặt hàng này được rao bán công khai, ai cũng có thể mua dễ dàng.

Sau vụ nổ kinh hoàng tại xưởng sản xuất phân bón của công ty TNHH SX-TM-DV Đặng Huỳnh (quận 12, TP.HCM) làm 3 người chết, các đầu mối bán hóa chất dè dặt hơn với khách mới, nhưng nếu nhận thấy đúng là khách hàng tiềm năng, họ sẵn sàng “xé rào” để chiều lòng thượng đế.

Hóa chất ... mua bao nhiêu cũng có

Trong vai chủ một trang trại ở miền Trung cần mua nguyên liệu để tự trộn phân bón, chúng tôi tìm được khá nhiều nguồn cung cấp kali nitrat (KNO3), natri nitrat (NaNO3), kali clorat (KClO3)... tại TP.HCM. Hàng đóng bao 25 kg và 50 kg, xuất xứ từ Trung Quốc, Israel, Hàn Quốc.

Hàng loạt hóa chất công nghiệp độc hại được bán tràn lan với số lượng lớn trên địa bàn TP HCM

Hàng loạt hóa chất công nghiệp độc hại, nguy hiểm được bán tràn lan với số lượng lớn trên địa bàn TP HCM. Ảnh minh họa

Tại nhiều cơ sở có treo bảng chào bán NaNO3 có giá 14.000 đồng/kg, KClO3 là 27.000 đồng/kg, khách mua có thể không đến trực tiếp mà chỉ cần chuyển tiền, bên bán sẽ gửi hàng theo xe về tận nơi cho bên mua.

Tuy nhiên, trong ngày 21/10, khi chúng tôi liên lạc với các đầu mối này thì câu trả lời chung là “hết hàng”, hoặc “không bán cho khách hàng cá nhân” nhưng cũng có một số mối trả lời lấp lửng “để kiểm tra lại hàng trong kho”. Nhân viên công ty N.M (quận 9) cho biết, KNO3 có giá 29.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg) nếu mua từ 15-20 bao (mỗi bao 25 kg), do hàng đang khan hiếm và không hề đòi hỏi điều kiện gì ngoài... tiền.

Tương tự, đại diện công ty TNHH Hóa chất K.N (Đồng Nai) cũng sẵn sàng xuất bán ngay 20 bao NaNO3 tại kho của công ty với thỏa thuận không xuất hóa đơn, giá 28.000 đồng/kg. Lấy lý do đang ở tỉnh, không đến lấy hàng trực tiếp được, nhân viên công ty cho biết, nếu khách hàng gửi tiền trước, công ty sẽ hỗ trợ gửi hàng ra xe về tận nhà. Sau đó, nhân viên này nói thẳng: “Đây là hàng cấm, nếu anh có người quen cho xe đến tận nơi để lấy, thanh toán tiền mặt sẽ tiện hơn”.

Hóa chất công nghiệp được dùng để làm pháo sáng, pháo hoa, trộn phân bón hay tạo màu thực phẩm

Hóa chất công nghiệp được dùng để làm pháo sáng, pháo hoa, trộn phân bón hay tạo màu thực phẩm. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu, các loại hóa chất tiền chất nổ như: kali nitrat (KNO3), natri nitrat (NaNO3), kali clorat (KClO3)... ngoài việc tạo pháo hoa, thuốc súng còn được ứng dụng trong sản xuất phân bón, nhựa, tấm thu nhiệt mặt trời, sơn phản quang, thậm chí là bảo quản và tạo màu trong thực phẩm nên nhu cầu thị trường rất lớn.

Theo quy định, để mua được các loại hóa chất trên, người mua phải khai báo mục đích sử dụng và xuất trình hồ sơ chứng minh, bên bán cũng phải mở sổ riêng theo dõi việc xuất, nhập kho tiền chất nổ nhưng thực tế việc quản lý mục đích sử dụng của người mua vẫn chưa chặt chẽ.

Ngoài các tiền chất nổ như trên, việc mua các đơn chất khác trong công thức tạo pháo, thuốc nổ như phốt-pho (P), carbon (C), lưu huỳnh (S)... cũng rất dễ dàng trên thị trường.

Đủ thứ vi phạm

Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 682 đơn vị hoạt động trong ngành hóa chất, chủ yếu là doanh nghiệp, chỉ có hơn 100 điểm đăng ký với hình thức hộ cá thể. Việc buôn bán tập trung chủ yếu tại khu vực chợ Kim Biên (quận 5) và các tuyến đường lân cận như Phan Văn Khỏe, Phùng Hưng, Vạn Tượng, Hải Thượng Lãn Ông... Nhưng hầu hết đều không bảo đảm các điều kiện về vật chất, con người cũng như quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Lãnh đạo Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, trong các tháng đầu năm đã tổ chức kiểm tra chuyên đề về hóa chất trên diện rộng. Nội dung kiểm tra được công khai và báo trước 3 ngày nhưng tỉ lệ vi phạm vẫn khá cao.

Hóa chất công nghiệp nguy hiểm, độc lại được phân phối bởi những cửa hàng không đạt chuẩn

Hóa chất công nghiệp nguy hiểm, độc lại được phân phối bởi những cửa hàng không đạt chuẩn. Ảnh minh họa

Theo đó, việc kiểm tra được tiến hành ở 473 đơn vị, phát hiện 215 đơn vị có vi phạm. Trong đó vi phạm phổ biến là kinh doanh hàng hóa có điều kiện nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện (87 trường hợp), nhãn hàng hóa không ghi đủ nội dung bắt buộc (61 trường hợp) và nhiều vi phạm có khả năng nguy hiểm đến cộng đồng như: không xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, không có phiếu mua, bán hóa chất độc, không lưu trữ thông tin về hóa chất nguy hiểm và không mở sổ riêng theo dõi việc xuất kho, nhập kho tiền chất nổ.

Theo Người Lao Động


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang