Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

author 08:44 18/04/2023

(VietQ.vn) - Đề xuất đưa đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính tại Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên đa phần các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng có nhiều yếu tố vẫn chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Tại Hội thảo "Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Trưởng tiểu ban Nước giải khát (VBA) Đỗ Thái Vương cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để áp thuế TTĐB với đồ uống có đường bởi chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan (ngành mía đường, bán lẻ, bao bì…) cũng như cả nền kinh tế. Trên cơ sở đó, ông Vương đề nghị Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng đề xuất này dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính công bằng, vì lợi ích của người dân và DN.

Ông Chris Vanloon - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) cũng bày tỏ sự quan ngại về việc đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường, đồ uống đại mạch, nước giải khát không cồn và đề nghị Bộ Tài chính bỏ các sản phẩm này khỏi Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

 Dây chuyền sản xuất nước chanh muối.

Theo Chủ tịch Amcham, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về "đồ uống có đường", do đó đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả một số sản phẩm thiết yếu và tốt cho sức khỏe con người. Đây cũng là một thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn với khái niệm khác là "nước giải khát có bổ sung đường". Đó là lý do một số nước như Đan Mạch đã rút bỏ loại thuế này.

"Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường lên DN và người tiêu dùng, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn. Nếu đề xuất được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang chật vật phục hồi sau Covid-19 sẽ đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Nó cũng tạo thêm áp lực cho các gia đình khi phải chi trả cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường" - ông Chris Vanloon cảnh báo.

Còn theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), đề xuất đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn sẽ ảnh hưởng đến phần lớn người tiêu dùng bởi đây là các sản phẩm bình dân, được tiêu thụ đến tận vùng nông thôn trên cả nước.

Ngoài ra, quy định này cũng sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng của ngành; chẳng hạn ngành sản xuất đường, bao bì, hệ thống phân phối bán lẻ, đặc biệt là những tiệm tạp hóa, bán rong thu nhập đều phụ thuộc trực tiếp vào việc kinh doanh những mặt hàng này. Hơn nữa việc tăng thuế sẽ đẩy DN, nhất là DNNVV vào thế đã khó nay càng khó hơn khi cùng lúc chịu nhiều áp lực, chi phí tăng cao trong khi khả năng tiêu thụ sản phẩm của người dân giảm.

Ở góc độ chuyên môn, TS. Phạm Tuấn Khải - Chuyên gia luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng ban soạn thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) cần có đánh giá tác động xã hội của điều luật kỹ hơn khi được điều chỉnh như việc phản ứng của DN phải chịu thuế TTĐB. Trong lộ trình xây dựng luật cần quan tâm yếu tố tác động của luật với người tiêu dùng, với kinh tế và xã hội và không nên làm nóng vội, ảnh hưởng đến người làm chính sách và các DN.

Ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng, việc đầu tiên là cần làm rõ khái niệm "Đồ uống có đường" trong Dự thảo luật vì trước đó khái niệm này chưa có trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Chỉ riêng trong lĩnh vực thực phẩm, khái niệm này đã rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi một loại nước có thể không bổ sung đường nhưng vẫn được gọi là đồ uống có đường (như nước trái cây, sữa gạo,…) do lượng đường tổng có trong nguyên liệu.

“Yêu cầu đặt ra là chúng ta cần làm rõ khái niệm thế nào là đồ uống có đường? Và những sản phẩm có sẵn một lượng đường tổng (carbohydrate ) thì có bị đánh thuế không?” – ông Hiến nêu vấn đề.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng cũng như tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Bidrico cho rằng nếu nói đánh thuế đồ uống có đường nhằm giảm tỉ lệ béo phì, bệnh tiểu đường… thì cần có những bằng chứng khoa học thật sự cũng như thực tiễn của Việt Nam.

Bao lâu nay chúng ta vẫn ngộ nhận đường là nguyên nhân gây bệnh béo phì; tuy nhiên một thực tế hiện nay là người dân thành thị dù ăn ít đường vẫn mập, trong khi đó người dân nông thôn ăn nhiều đồ ngọt để có đủ calories bù cho lượng calories mất đi trong quá trình làm việc nặng nhọc nhưng họ vẫn không bị béo phì như người thành thị.

Như vậy nói đường là nguyên nhân gây bệnh béo phì là không chính xác. Chính phủ, Bộ Y tế cần làm rõ tác dụng của đường trong thực tế của nước ta và trên phạm vi toàn thế giới (đã được Tổ chức Y tế Thế giới nghiên cứu và công bố), hoặc các thông lệ đã được áp dụng ở các quốc gia lân cận để có được sự hợp lý khi đưa luật thuế ra bàn thảo.

Ngoài ra, có thể thấy tất cả sản phẩm dùng để uống và có đường (sữa và các sản phẩm từ sữa, nước yến, nước ép hoa quả, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh...) đều là các mặt hàng rất thiết yếu, được dùng hằng ngày ở mọi gia đình. Do đó, một khi bị áp thuế TTĐB sẽ đẩy giá cả các sản phẩm có lợi cho sức khỏe tăng cao lên, người dân phải tiếp tục gánh chịu thêm khoản tăng chi phí trong chi tiêu hằng ngày.

Đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động mất việc hoặc thiếu việc làm, thu nhập bị thu hẹp, nhất là khu vực nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 65,8% dân số Việt Nam thì áp tuế TTĐB đối với đồ uống có đường cũng đồng nghĩa với đánh thuế vào đại đa số người nghèo, như vậy sẽ làm mất đi tính nhân văn của chính sách thuế này và đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về tăng cường nâng cao sức khỏe toàn dân.

Chưa kể nếu bị áp thuế TTĐB thì chi phí sản xuất sẽ tăng kéo theo giá thành sản phẩm cũng sẽ đội lên, DN sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. “Với những bất cập và khi chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam thì dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn nên được dừng lại cho đến khi có căn cứ hợp lý để có thể đưa ra Quốc hội tiếp tục bàn thảo” – ông Hiến nhấn mạnh.

Anh Đào

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang