Cách phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt

author 17:38 07/07/2014

(VietQ.vn) - Để người tiêu dùng không bị đánh lừa bởi khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng tiêu chí phân biệt hai loại khoai tây này.

Khoai tây Trung Quốc ồ ạt đổ về các chợ nông sản Đà Lạt

Vài năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 7, mỗi ngày có tới hàng tấn khoai tây Trung Quốc được chuyển về các chợ nông sản Đà Lạt và chợ đầu mối Lâm Đồng.

Trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, ông Dương Minh Sơn - cán bộ Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, tính từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 44 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ. Tất cả đều có chứng từ hợp lệ và giá chỉ 3.380 đồng/kg.

Những củ khoai tây Trung Quốc được nhập về bằng đường bộ, tới trụ sở của doanh nghiệp nhập khẩu tại TP.HCM sau đó được doanh nghiệp này phân phối lại cho các tiểu thương, đem lên chợ nông sản Đà Lạt.

Điều đáng nói là khoai tây Trung Quốc vận chuyển lên Đà Lạt không phải để tiêu thụ mà để “mông má” lại bằng cách phủ một lớp đất đỏ cho giống với khoai tây Đà Lạt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khoai Trung Quốc sau khi “mặc áo” được xuất bán có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, chỉ kém khoai tây Đà Lạt 2.000 - 3.000 đồng/kg, mặc dù chất lượng thua kém hoàn toàn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ Đà Lạt được đem tiêu thụ ở khắp nơi

Khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ Đà Lạt được đem tiêu thụ ở khắp nơi. Ảnh minh họa

Việc khoai tây trung quốc xâm nhập thị trường không chỉ gây ra bất an cho người tiêu dùng mà cả những người sản xuất khoai tây ở Đà Lạt cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm.

Theo Hội Nông dân xã Xuân Thọ ( Đà Lạt), hiện Đà Lạt đứng đầu cả nước về sản xuất khoai tây, diện tích gieo trồng khoảng 1500ha, sản lượng bình quân đạt 35.000 tấn/năm. Tuy nhiên tình trạng trà trộn giữa khoai Trung Quốc với khoai Đà Lạt hiện nay khiến nhà vườn bị thiệt hại lớn. Đã có khá nhiều xã ở Đà Lạt vốn nổi tiếng với nghề trồng khoai tây, chủ vườn đã chuyển qua trồng loại cây khác. Tại xã Xuân Thọ, diện tích khoai tây trồng trái vụ năm nay chỉ còn 15ha thay vì 40-50ha như trước.

“Tiền án” nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Năm 2013, vụ việc  cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt tiến hành thu giữ và đem tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc, do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chlorpyrifos gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y Tế, đã khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.

26 tấn khoai tây Trung Quốc bị đem tiêu hủy do nhiễm độc

26 tấn khoai tây Trung Quốc bị đem tiêu hủy do nhiễm độc. Ảnh minh họa

Năm nay, qua trao đổi của báo Dân Việt với ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng được biết: Đơn vị đã nhiều lần lấy mẫu khoai tây Trung Quốc để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và không ít lần, cơ quan chức năng phát hiện trong khoai tây Trung Quốc có chứa chất độc hại cao gấp hàng chục lần cho phép nên bị tịch thu và tiêu hủy.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, điều khó nhất trong quản lý hiện nay là khi cơ quan chức năng kiểm tra, các thương lái đều xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ và họ cũng thừa nhận đó là khoai tây Trung Quốc. Còn việc “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc, theo họ chỉ là để trông bắt mắt chứ không thừa nhận đó là hành vi đánh lừa người tiêu dùng.

Cách phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt.

Để giúp người tiêu dùng tránh nhầm lẫn, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc.

Phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lat

Phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt. Ảnh minh họa

Theo đó, củ khoai tây Trung Quốc to, thon dài, cỡ củ khá đồng đều, vỏ dày (nên ít bị sứt sẹo) bóng đẹp, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to. Trong khi khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, thường có hình bầu dục hoặc tròn, cỡ củ khá chênh lệch, vỏ mỏng (nên dễ bị trầy xước, bong tróc), mắt củ ít và nhỏ.
Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ thấy khoai Đà Lạt khô, còn khoai tây Trung Quốc nhiều nước. Khi chiên, khoai Trung Quốc dễ bị nát, ăn dẻo, không bùi. Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột nên khi chế biến khó bị nát, ăn rất bùi, bở.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang