Cải cách kiểm tra chuyên ngành - Dấu ấn từ Bộ Khoa học và Công nghệ

author 06:54 07/02/2019

(VietQ.vn) - Các bộ, ngành đã có sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc kiếm tìm các giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Được Chính phủ đánh giá là Bộ có nhiều đột phá trong cải cách, đặc biệt là cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, năm 2018 Bộ Khoa học và Công nghệ đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh tại tọa đàm về cải thiện môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành diễn ra tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ tính riêng đối với nhóm hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN quản lý, với việc giảm thời gian thông quan nên tiết kiệm được lưu kho lưu bãi, chi phí đi lại của khoảng 60.000 lô hàng nhập khẩu đã tiết kiệm cho doanh nghiệp được khoảng hơn 720 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã đi đầu trong quá trình triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” thông qua việc ban hành Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 27) quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa, với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. “Cụ thể, đã cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra là xăng dầu và khí mỏ hóa lỏng”, ông Linh cho biết.

Cũng theo ông Linh, sau khi triển khai áp dụng, Thông tư 07 đã giúp giảm khoảng 96% lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu xuống còn 1 ngày. “Với việc 96% hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan nay được chuyển sang hậu kiểm, cải cách này mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm, cắt giảm được khoảng 600 tỷ đồng/năm”, ông Linh cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã công bố sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, trong đó quy định 8 nhóm sản phẩm, mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, văn bản quy phạm pháp luật quản lý, biện pháp quản lý đối với hàng nhập khẩu và tên cơ quan kiểm tra.

Đề cập đến cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Linh cho biết, theo Luật đầu tư 2016 Bộ KH&CN quản lý 8 ngành nghề với 121 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay Bộ KH&CN đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ 63/121 điều kiện, cụ thể: Cắt giảm, đơn giản hóa 15/36 điều kiện tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật năng lượng nguyên tử; Cắt giảm, đơn giản hóa 48/85 điều kiện tại 4 Nghị định liên quan đến sở hữu trí tuệ, kinh doanh mũ bảo hiểm, hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đi, chuẩn đo lường; điều kiện về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Hiện Bộ KH&CN cũng triển khai 4 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa.

Năm 2019: Tiếp tục giải quyết ‘bài toán’ về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xác định vấn đề trọng tâm nhằm tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành.

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang