Căn bệnh Ebola và những hiểu lầm 'chết người'

author 08:31 12/08/2014

Một nhóm chuyên gia nhóm họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thảo luận về việc đưa phương thuốc thử nghiệm chữa bệnh Ebola vào sử dụng rộng rãi trên bệnh nhân.

Theo BBC, về cơ bản, Ebola chỉ là một căn bệnh truyền nhiễm thông thường và cướp đi sinh mạng của vài ngàn người kể từ khi được phát hiện vào năm 1976. 

Khác với bệnh sốt rét và bệnh lao vốn giết chết vài triệu người mỗi năm hay như bệnh sởi cướp đi sinh mạng của 122.000 người vào năm 2012, nguồn gốc gây bệnh Ebola hiện vẫn chưa rõ ràng. 

Các nhà khoa học chưa xác định được loài vật nào là vật chủ phát tán virus Ebola mặc dù lâu nay loài dơi bị nghi ngờ là thủ phạm. Chính vì lý do này mà việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh lại càng trở nên khó khăn. 

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Ebola là khá cao từ 50 – 90%. Các triệu chứng nhiễm bệnh gồm chảy máu, buồn nôn và tiêu chảy. 

Loài dơi bị nghi ngờ là vật chủ phát tán virus Ebola

Một trong những điều nguy hiểm mà cả những người nhiễm bệnh và may mắn sống sót do mắc virus Ebola là sự đố kỵ và xa lánh của cộng đồng. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là các nhân viên y tế. 

Trong những đợt dịch bùng phát trước đây, một số bệnh nhân nhiễm virus Ebola khi được chữa khỏi bệnh và quay trở lại cuộc sống đời thường đã vấp phải không ít khó khăn. Họ bị cộng đồng, bạn bè xa lánh, thậm chí là không tìm được việc làm. Trong đợt bùng phát dịch vào năm 2000 – 2001, toàn bộ tài sản và nhà cửa của những bệnh nhân mắc Ebola tại Uganda đã bị thiêu rụi. 

Do đó, các tình nguyện viên của tổ chức Chữ Thập Đỏ đã tới thăm nhiều ngôi làng để thuyết phục người dân không nên tin vào những lời đồn thổi và chấp nhận đón những bệnh nhân từng mắc virus Ebola quay trở lại cuộc sống cộng đồng. 

Một bệnh nhân trong đợt dịch năm 1995 – 1997 tại Gabon đã chia sẻ với BBC về những năm tháng sống vô cùng khó khăn do nhiễm phải virus Ebola. Anh đã bị mọi người xa lánh, các tài xế taxi không đón khách và tại các chốt kiểm tra, cảnh sát cũng không thèm xem chứng minh thư nhân dân của anh này vì sợ bị nhiễm bệnh. 

Trong khi đó, các bệnh viện dường như vẫn chưa sẵn sàng đón nhận điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Đây là một trong những lý do khiến đại dịch bùng phát một cách nhanh chóng trong quá khứ. Nhiều nạn nhân nhiễm Ebola lại chính là các nhân viên chăm sóc y tế. Từ đó, các tin đồn thất thiệt đã ra đời. 

Trong đợt dịch Ebola bùng phát tại Kikwit thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1995, một tin đồn về mối liên hệ giữa bệnh viện và các bệnh nhân chết vì Ebola đã xuất hiện khi người dân cho rằng chính các bác sĩ đã sát hại những công nhân ăn trộm kim cương bỏ trốn khỏi các mỏ khai thác gần đó. 

Còn tại vùng dịch Uganda, người dân địa phương lại tin rằng chính những người da trắng đã bán các bộ phận trên thi thể bệnh nhân nhiễm virus Ebola để kiếm tiền. Thậm chí, các nhân viên y tế phương Tây còn luôn nằm trong diện bị nghi ngờ và đôi khi còn bị coi là nguồn mang bệnh tới. 

Do đó, mỗi khi dịch Ebola bùng phát, công tác tiếp cận với người dân địa phương đối với các nhân viên y tế là vô cùng khó khăn khi họ vấp phải sự phản kháng và ngăn cản. Hồi tháng 1/2002, một nhóm chuyên gia quốc tế đã phải tháo chạy khỏi ngôi làng Mekambo thuộc Gabon khi bị dân làng đe dọa đánh đuổi.

Ngoài ra, phong tục chôn cất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịch bệnh lây lan. Trong những đợt dịch bùng phát trước đây, người dân địa phương đã hoàn toàn phớt lờ cảnh báo của giới y tế về việc chôn cất người chết theo những quy định riêng và không ăn thịt sống. 

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín người khi chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Ebola ở Sierra Leone

Thậm chí, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn nhờ cậy tới các lang băm, khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Những lang vườn này đã thực hiện cắt lớp da bệnh nhân và nhiều biện pháp can thiệp thiếu an toàn khác. Ngay cả cơ sở hạ tầng y tế tại một số quốc gia có số bệnh nhân nhiễm virus Ebola đông cũng rất tồi tàn. 

Cuộc họp giữa nhóm chuyên gia và WHO vào hôm nay sẽ không chỉ thảo luận về việc đưa phương thuốc thử nghiệm chữa bệnh Ebola vào sử dụng rộng rãi mà còn đề ra các phương án dự phòng trong trường hợp thuốc chữa không đạt hiệu quả điều trị nhưng mong đợi và thậm chí gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Ngoài ra, cuộc họp sẽ còn dự trù cả phản ứng của giới truyền thông và cộng đồng địa phương cũng như hậu quả của những phản ứng này đối với bệnh nhân mắc virus Ebola, nhân viên y tế cũng như chọn phương thuốc thay thế để chữa bệnh. 

Theo Infonet


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang