Cần tận dụng 'giai đoạn vàng' để cứu doanh nghiệp

author 19:03 11/04/2020

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 đã gây tác động bất lợi lớn đến nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp. Để vượt qua được giai đoạn sóng gió này, rất cần có các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, phù hợp và nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Cứu doanh nghiệp như cứu hỏa

Tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme) với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm hiện nay chính là “giai đoạn vàng” để cứu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sóng gió bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.  

Cuộc họp giữa lãnh đạo VCCI và Hanoisme tập trung thảo luận những khó khăn, đề xuất, kiến nghị thực thi các giải pháp kịp thời tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài...

Các doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương của Chính phủ với gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng, cũng như gói tín dụng ưu đãi và cơ cấu lại nợ… Nhưng còn ý kiến băn khoăn rằng, Thủ tướng quyết xong thì lại chưa có tiêu chí nào để theo, ví như xí nghiệp may bao nhiêu công nhân thì áp dụng thế nào...

Các doanh nghiệp cho rằng, cần phân loại và có tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, chẳng hạn doanh nghiệp lớn được hỗ trợ bao nhiêu, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ thế nào, điều kiện được hỗ trợ ra sao. Và việc này làm càng sớm càng tốt.

Đáng chú ý, theo phản ánh từ doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ yêu cầu,,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp chỉ đạo triển khai, rất nhiều tuyên bố về cam kết giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… nhưng khi làm việc với các chi nhánh ngân hàng thì đều được trả lời những câu tương tự như “chưa có hướng dẫn nên chưa thực hiện được”. Thậm chí, một doanh nghiệp cho biết, ngân hàng đồng ý giãn nợ nhưng lại tăng lãi suất.

Ông Võ Việt Dũng- Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) cho biết, ngày 9/4/2020, doanh nghiệp của ông nhận được thông tin trả lời về việc giãn nợ từ chi nhánh ngân hàng rằng “Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu”. “Như vậy thì có khác gì trước khi có dịch Covid-19”- ông Dũng nói.

Tạo điều kiện cho DN tận dụng cơ hội xuất khẩu khẩu trang

Tại cuộc họp, yếu tố cơ hội được đại diện các doanh nghiệp đặt ra. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát lại năng lực sản xuất, khả năng cung cầu trước khi ban hành các quyết định tạm ngừng xuất khẩu. Bởi lẽ, nếu thời điểm kéo dài quá mức cần thiết sẽ làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.

Mặt hàng khẩu trang y tế hiện đang là hướng đi mới cho ngành dệt may, một “cứu cánh” kịp thời để giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động. Ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc May 10 cho biết, chính sách hiện nay quy định với khẩu trang y tế là 75% công suất sản xuất khẩu trang y tế được dùng để đảm bảo nhu cầu trong nước, 25% được phép xuất khẩu với điều kiện tài trợ, hỗ trợ...

Như vậy, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu 2,5 triệu chiếc khẩu trang xuất khẩu thì năng lực của doanh nghiệp đó phải đủ 10 triệu chiếc và cũng không được phép xuất khẩu khẩu trang theo dạng hợp đồng thương mại. Theo ông Việt, chính sách này chỉ phù hợp khi thị trường trong nước khan hiếm, còn nếu công suất sản xuất dư thừa thì việc hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội chuyển đổi sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt phân tích thêm, nhu cầu về sản phẩm may mặc trên toàn cầu đang sụt giảm mạnh, thậm chí trong 3 năm tới chưa chắc đã hồi phục bởi thói quen của người tiêu dùng sau dịch bệnh sẽ thay đổi. “Họ sẽ hướng tới các nhu cầu thiết yếu và bảo vệ sức khoẻ, còn những nhu cầu không cấp thiết khác sẽ bị cắt giảm”, ông Việt tính toán.

Do đó, May 10 đã đưa ra quyết định táo bạo là chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Tuy nhiên, chính sách cấm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế lại đang làm khó những doanh nghiệp muốn chuyển đổi như May 10.

Ông Việt cho biết, May 10 hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến giao hàng từ tháng 7/2020 với giá trị 52 triệu USD (tương đương với 30% doanh thu của May 10 trong năm 2020). Đồng thời, một đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải; một đối tác của Đức cũng đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải và 6 triệu khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, nếu theo chính sách hiện tại, với đơn hàng 400 triệu chiếc khẩu trang y tế xuất khẩu, May 10 sẽ phải đạt công suất 1,6 tỷ chiếc khẩu trang và 75% để bán tại thị trường trong nước. Đây là một điều rất khó.

“Hiện tại, nguồn cung khẩu trang y tế ở trong nước không hề thiếu. Khu vực miền Bắc, chỉ riêng tỉnh Bắc Ninh hiện đang có hơn 1.000 công ty sản xuất khẩu trang, trong khi trước khi có dịch chỉ khoảng 20-30 doanh nghiệp”- ông Việt cho hay.

Nếu bây giờ không cho xuất khẩu mặt hàng khẩu trang thì sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, các doanh nghiệp này sẽ lập tức “chết đứng” vì vừa bỏ ra chi phí mua máy móc, nguyên liệu để tăng công suất - Tổng Giám đốc May 10 quan ngại.

Đồng tình với phản ánh của các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, câu chuyện xuất khẩu khẩu trang cũng tương tự như xuất khẩu gạo vừa rồi. “Phải lập tức đánh giá năng lực sản xuất trong nước cũng như đánh giá cung cầu để có chính sách phù hợp nhất. VCCI sẽ tổng hợp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ những vấn đề này”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang