Cảnh báo những chiêu lừa dễ gặp khi mua kim cương

author 06:35 06/09/2022

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia về vàng bạc đá quý, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều chiêu lừa đảo mua bán kim cương người tiêu dùng nên thận trọng.

Kim cương là một trong hai dạng thù hình được biết đến nhiều nhất của cacbon (dạng còn lại là than chì), có độ cứng rất cao và khả năng khúc xạ cực tốt làm cho nó có rất nhiều ứng dụng trong cả công nghiệp và ngành kim hoàn.

Kim cương được cho là một loại khoáng sản với những tính chất vật lý hoàn hảo. Chúng là những vật liệu tốt để tạo ra các bề mặt nhám và chỉ có những viên kim cương khác, những tinh thể cacbon dạng lồng hay ADNR mới có thể cắt kim cương được. Điều đó có nghĩa là chúng có thể giữ bề mặt đánh bóng rất lâu và rất tốt. 

Kim cương đã được sưu tầm như một loại đá quý và sử dụng trên những biểu tượng tôn giáo của người Ấn Độ cổ cách đây ít nhất 2.500 năm. Người ta còn tìm thấy kim cương đầu mũi khoan, cũng là dụng cụ để khắc lên đá đối với người cổ đại. Sự phổ biến của kim cương tăng lên ở thế kỷ XIX, khi những kỹ thuật đánh bóng và cắt đã đạt đến một trình độ nhất định, kinh tế thế giới đã phát triển, và những nhà kim hoàn bắt đầu những chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Khoảng 49% kim cương được khai thác ở Trung Phi và Nam Phi, mặc dù một số lượng lớn kim cương cũng được tìm thấy ở Canada, Ấn Độ, Nga, Brasil, Úc. Hầu hết chúng được khai thác ở những miệng núi lửa đã tắt, sâu trong lòng Trái Đất nơi mà áp suất và nhiệt độ cao làm thay đổi cấu trúc của các tinh thể. 

Chỉ khoảng 20% sản lượng kim cương trên thế giới được dùng để chế tác đồ trang sức, 80% kim cương kém phẩm chất hơn được sử dụng trong công nghiệp và các ứng dụng nghiên cứu.

 Cẩn trọng khi mua kim cương kẻo dính phải hàng giả, nhân tạo. Ảnh minh họa

Giấy kiểm định gắn cho kim cương giả

Dù kim cương hiếm và đắt đỏ nhưng trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo bán kim cương giả gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. 

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá Quý, vàng và trang sức Việt cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, một trong những chiêu người dùng hay mắc phải khi mua kim cương là giấy kiểm định thật nhưng kim cương giả. Kim cương giả ở đây có thể được hiểu là không đúng với các chỉ tiêu trong giấy kiểm định, có thể là loại thấp cấp hơn, hoặc là kim cương nhân tạo.

Khác với những viên kim cương tự nhiên phải mất từ 10-20 triệu năm mới hình thành thì chỉ trong vòng 6 tiếng bằng công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã tạo ra được những viên kim cương nhân tạo giống y hệt kim cương tự nhiên cả về màu sắc, độ sáng...

Tuy nhiên, so với kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo rẻ gấp nhiều lần. Ví dụ kim cương tự nhiên 5,3 ly có giá khoảng 50 triệu đồng, trong khi đó, kim cương nhân tạo 5,4 ly, giá khoảng 450 nghìn đồng/viên.

Chiêu trò hay được áp dụng là những viên kim cương tự nhiên, chất lượng tốt, giá cao được đưa đi để giám định và có giấy khai sinh. Kẻ gian lấy giấy khai sinh này sử dụng cho một viên kim cương khác có chất lượng kém hơn hoặc kim cương tổng hợp với những thông tin về giác cắt, màu... gần giống như viên kim cương chất lượng cao.

Để trùng khớp, những viên kim cương "nhái" hay chất lượng kém sẽ được khắc mã số trùng mã số trên giấy kiểm định và được bán ra thị trường với giấy khai sinh của viên kim cương chất lượng cao. Sau đó, viên kim cương tự nhiên ban đầu sẽ được mài cạnh mất đi mã số đã khắc trên đó rồi lại được đưa đi kiểm định để có giấy khai sinh khác. Sau đó một viên đá khác sẽ được sử dụng giấy khai sinh này ra thị trường như cách ở trên. Nhiều người mua kim cương thường dùng kính hiển vi soi mã số xem có trùng với giấy chứng nhận để ra quyết định mua, nhưng vẫn mua phải hàng giả.

GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, những viên kim cương nhân tạo rất giống kim cương thật, bằng mắt thường không phân biệt được. Để không bị nhầm lẫn, người sử dụng, nhất là người sử dụng kim cương tự nhiên cần phải cẩn thận, khi mua cần phải mang tới các phòng kiểm định có chất lượng để kiểm định để tránh bỏ tiền mua kim cương thật nhưng lại mang về kim cương nhân tạo.

"Không có cách nào chắc chắn hơn là đem kim cương trực tiếp đến các phòng kiểm định. Người có kinh nghiệm thì có thể nhận biết được gần chính xác kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo, nhưng phải là những chuyên gia kim cương. Bởi kim cương tự nhiên là vật liệu cứng nhất, và ánh của kim cương tự nhiên thì không một vật liệu nào khác có được. Nhìn ở góc cạnh nào cũng sáng chói mắt là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của kim cương tự nhiên", GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.

Làm giấy kiểm định giả bán kèm với kim cương giả

Một chiêu khác mà người dùng dễ gặp là giấy kiểm định giả bán kèm với kim cương giả. Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, có một đặc điểm của giấy kiểm định mà ít người để ý là mã vạch. Muốn biết giấy kiểm định đó có đúng hay không, chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp lại mã vạch để đăng nhập hệ thống quản lý giấy kiểm định. So sánh với giấy kiểm định mình có, nếu thấy có bất cứ chi tiết nào, dù nhỏ nhất (kể cả dấu chấm dấu phẩy) không giống với giấy kiểm định lưu trữ trong hệ thống, thì đó là giấy kiểm định giả.

Ngoài ra ở Việt Nam hiện có rất nhiều phòng kiểm định độc lập, người mua hoàn toàn có thể đến đó để kiểm tra, xác định xem viên đá đó có đúng với các thông tin trên giấy hay không, loại giấy đó có đúng do một trung tâm kiểm định có uy tín cung cấp hay không.

Lưu ý, những trung tâm kiểm định thuộc các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ chịu trách nhiệm kiểm định sản phẩm do công ty đó bán ra chứ không chịu trách nhiệm các sản phẩm giao dịch bên ngoài. Nên nếu mua đá quý của cơ sở nào, thì có thể đến phòng kiểm định của cơ sở đó để kiểm tra, hoặc có thể kiểm tra chéo từ các trung tâm kiểm định độc lập. Đối với loại giấy kiểm định đi kèm niêm phong viên đá, người ta thực hiện ép nhiệt để không thể cạy được viên đá ra một cách thủ công. Kiểm tra nếu có dấu hiệu của việc đã lấy viên đã ra thì có thể khẳng định viên đá đó là dởm.

Khi mua đá quý tốt nhất là mua của các thương hiệu uy tín, tuyệt đối không giao dịch qua mạng bởi các chiêu trò làm giả hiện nay cực kỳ tinh vi. Trường hợp không chắc chắn về nguồn gốc cũng như không có hiểu biết về giấy kiểm định, tốt nhất là nên sử dụng dịch vụ của các trung tâm kiểm định độc lập. Bằng mắt thường, ngay cả chuyên gia cũng không thể nhận biết được kim cương thật hay kim cương giả mà phải dưới các máy soi chiếu chuyên dụng mới có thể khẳng định được.

Việc lựa chọn phòng kiểm định nào cũng cần được tìm hiểu kỹ, tránh tình trạng "móc ngoặc" giữa người bán và người kiểm định. Hiện ở Việt Nam có nhiều phòng kiểm định độc lập, với chất lượng cao, giá thành hợp lý để người mua kim cương có thể lựa chọn.

Tiêu chuẩn Việt Nam  TCVN 12177:2017- ISO 18323:2015

Đồ trang sức- lòng tin của người tiêu dùng vào ngành công nghiệp kim cương

Tiêu chuẩn này quy định một tập hợp các thuật ngữ nhận diện được phép sử dụng trong ngành công nghiệp kim cương và được thiết kế riêng sao cho người tiêu dùng có thể hiểu được. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng bao gồm các định nghĩa nhằm mục đích tạo ra sự rõ ràng minh bạch hơn cho các thương nhân và duy trì lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp kim cương nói chung.

Tiêu chuẩn này bao gồm các thuật ngữ được sử dụng trong quá trình mua và bán kim cương tự nhiên, kim cương xử lý, kim cương tổng hợp, kim cương ghép và các đá thay thế kim cương.
Được tạo thành hoàn toàn bởi tự nhiên, không có sự can thiệp của con người trong quá trình hình thành.

Kim cương tự nhiên (diamond)

Khoáng vật được hình thành trong tự nhiên, có thành phần chủ yếu là carbon kết tinh trong hệ tinh thể đẳng thước (lập phương), với độ cứng 10 trên thang Mohs, khối lượng riêng gần 3,52 và chỉ số khúc xạ (chiết suất) xấp xỉ 2,42.

Việc gọi tên “kim cương" mà không có thêm chỉ dẫn nào khác thì luôn được hiểu là “kim cương tự nhiên". Hai thuật ngữ này là tương đương và mang cùng một nghĩa.

Kim cương xử lý (treated diamond)

Kim cương (2.2) đã có sự can thiệp bất kỳ nào khác của con người trừ việc mài cắt, đánh bóng, tẩy sạch và gắn trên đồ trang sức, nhằm mục đích thay đổi dáng vẻ bên ngoài của nó một cách ổn định hoặc tạm thời.

Kim cương tổng hợp (synthetic diamond)

Kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm (laboratory-grown diamond). Kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm tạo (laboratory-created diamond)

Sản phẩm nhân tạo về cơ bản có cùng thành phần hóa học, cấu trúc tinh thể và tính chất vật lý (kể cả tính chất quang học) như kim cương tự nhiên.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang