Mỹ cảnh báo: Khói thuốc lá bám lại trong nhà sau nhiều năm vẫn gây tác hại nghiêm trọng

author 14:03 05/09/2022

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho biết, khói thuốc lá có thể ám vào bề mặt một số vật dụng trong nhà qua thời gian dài và gây hại cho sức khỏe con người.

Theo các nhà nghiên cứu, khói thuốc gián tiếp là những gì thuốc lá để lại trên các bề mặt, tường và đồ đạc trong nhà sau khi khói tan hết. Khi nicotine trong khói thuốc lá tương tác với axit nitơ, phân tử phổ biến trong không khí trong nhà (và ngoài trời), nó để lại dư lượng của 3 hợp chất. Hai hợp chất trong số đó (thường gọi là NNK và NNN) là chất gây ung thư.

Ba hợp chất này tạo ra khói thuốc gián tiếp và có thể tồn tại trong nhà trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, gây nguy hiểm cho sức khỏe của những người sống ở đó.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Georg Matt của Đại học Bang San Diego, chia sẻ với Medical News Today: “Từ các nghiên cứu khác, chúng ta biết khói thuốc lá gián tiếp có thể tồn tại qua nhiều năm trong những ngôi nhà có nhiều khói thuốc. Chúng tôi phát hiện nồng độ của 3 hợp chất cao quá mức trong nhà của một người không hút thuốc. Cư dân đó sống ở đây hơn 20 năm và bỏ thuốc cách đây 9 năm. Hiện tại, người ấy không còn hút thuốc nữa nhưng trước đây, hút thậm chí một gói mỗi ngày”.

 Khói thuốc lá có thể bám lại trong nhà rất lâu và gây tác hại khó lường. Ảnh minh họa 

Tiến sĩ Hugo Destaillats, nhà khoa học cấp cao tại Nhóm Môi trường Trong nhà thuộc Bộ phận Phân tích Năng lượng và Tác động Môi trường, thành viên khảo sát chính của nghiên cứu, chỉ ra một số phát hiện quan trọng từ nghiên cứu được thực hiện tại hơn 200 ngôi nhà.

Ông cho hay nhóm đã tính toán liều lượng khói thuốc hàng ngày mà ai đó có thể hít, ăn hay hấp thụ qua da. Đây là phơi nhiễm mạn tính trong thời gian dài. Nếu đến nơi có nhiều người hút thuốc, chúng ta có thể có mức độ phơi nhiễm rất cao trong thời gian ngắn.

Giáo sư Matt cho biết mùi khói thuốc là dấu hiệu rõ ràng cho tình trạng ô nhiễm khói thuốc gián tiếp. Tuy nhiên, không ngửi thấy mùi khói thuốc không có nghĩa là an toàn. Điều này là do không phải tất cả hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc gián tiếp đều là chất tạo mùi và một số thành phần tạo mùi có thể đã biến mất.

Tiến sĩ Rachael A. Record, Phó giáo sư trường Truyền thông tại Đại học Bang San Diego, giải thích ngay cả trong không gian vừa được làm sạch, các ổ chứa khói thuốc gián tiếp vẫn có thể tồn tại, thải chất độc trở lại môi trường.

Tiến sĩ Destaillats nói các đại lý bất động sản có công cụ và sơn để giảm mùi tạm thời. Tuy nhiên, bột thạch cao bên trong vách thạch cao là "bể chứa các chất thuốc lá gây ô nhiễm".

Tiến sĩ Record đề xuất một số bước mà mọi người có thể thực hiện để loại bỏ hoặc giảm thiểu khói thuốc gián tiếp. Ông nói cách hiệu quả nhất để bảo vệ khỏi khói thuốc lá gián tiếp là loại bỏ, thay thế tất cả nơi có thể tồn tại các ổ chứa khói thuốc lá. Chúng ta nên thay đồ nội thất, trang trí trong phòng, chẳng hạn ghế dài, màn, thảm, vách thạch cao và các vật liệu khác mà khói thuốc gián tiếp có thể dễ dàng ám lên.

Tiến sĩ Record cho biết: “Giải pháp tiết kiệm chi phí hơn là thường xuyên mở cửa sổ để phòng thoáng gió, thường xuyên giặt vải, lau bề mặt đồ đạc và dùng máy hút bụi có bộ lọc HEPA. Các giải pháp này sẽ không loại bỏ các ổ chứa khói thuốc nhưng phần nào làm giảm khói thuốc gián tiếp”.

Giáo sư Matt nói các biện pháp khắc phục có hiệu quả hay không tùy vào mức độ ô nhiễm của khói thuốc gián tiếp. Ông giải thích: "Nếu mua một ngôi nhà mà ai đó đã hút thuốc nhiều năm ở đó thì không thể làm gì nhiều để khắc phục tình trạng này ngoại trừ việc thay đổi toàn bộ ngôi nhà và sửa sang lại".

Tiến sĩ Destaillats cho biết, rất nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra thuốc lá điện tử là nguồn thải ra nicotine trong nhà. Ông cho biết lượng khói do thuốc lá điện tử thải ra thấp hơn so với thuốc lá truyền thống vì thuốc lá điện tử chỉ được kích hoạt khi người dùng hút. Trong khi đó, thuốc lá thải ra khói cho dù người dùng hút hay không.

Thuốc lá điện tử cũng thải ít hóa chất vào không khí hơn. Tuy nhiên, nồng độ nicotine trong thuốc lá điện tử vẫn tương đương thuốc lá truyền thống.

 
Ở Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá và nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất thế giới. Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012, có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: Bệnh viện, trạm y tế; Trường học; Nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
 

Liên quan tới tác hại của thuốc lá, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, thuốc lá có chứa 7000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư. Trong khói thuốc có chứa những loại hóa chất vô cùng độc hại mà chính chúng ta không thể tưởng tượng ra như axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, CO (khí thải ô tô), Toluene (dung môi công nghiệp), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

"Các loại chất độc hại, gây ung thư này được người hút thuốc chủ động hít vào, bên cạnh đó, những người ở xung quanh cũng phải chấp nhận hít vào khói thuốc bẩn này"- BS Lâm nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, thuốc lá là hung thủ gây ra 11 loại ung thư khác nhau là ung thư họng, hầu họng, thực quản, phổi- khí quản- phế quản, bạch cầu cấp, dạ dày, tụy, thận- niệu quản, đại tràng, cổ tử cung, bàng quang. Đặc biệt, thuốc lá chịu trách nhiệm gây ra hơn 75% các ca ung thư phổi. Cứ 100 ca thì có đến 75 ca mắc do thuốc lá.

Ước tính 1/4 các bệnh không lây nhiễm là do khói thuốc lá gây ra. Nếu loại trừ khói thuốc, sẽ tránh được rất nhiều bệnh tật, tử vong, tổn thất kinh tế và gánh nặng cho các gia đình.

Mỗi năm có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là phụ nữ. Đáng sợ hơn, một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen, ung thư máu... ở trẻ em do khói thuốc lá.

"Những em bé hít phải khói thuốc của người lớn, sẽ giảm sức đề kháng, viêm đường hô hấp. Nhiều em bé vào viện vì viêm đường hô hấp và không bao giờ trở về nữa. Khói thuốc gây bệnh tật và tử vong hàng ngày, gây ra tổn thất vô cùng to lớn"- chuyên gia WHO nhấn mạnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang