Cảnh báo 'tiền mất tật mang' khi làm đẹp tại spa

author 06:32 05/09/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.T. (22 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật thu gọn ngực sa trễ ở spa tư nhân. Bác sĩ khuyến cáo muốn phẫu thuật thẩm mỹ cần tìm địa chỉ uy tín, được cấp phép, phòng mổ đảm bảo, bác sĩ và nhân viên thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề để được làm đẹp an toàn.

Biến chứng sau phẫu thuật ngực tại spa

Bệnh nhân cho biết, cách đây hơn 1 tháng đã thực hiện phẫu thuật thu gọn ngực sa trễ ở spa với chi phí 20 triệu đồng. Sau mổ, bệnh nhân không được hướng dẫn thay băng hay vệ sinh vùng phẫu thuật.

Sau vài tuần, bệnh nhân thấy vết mổ chậm lành, lại có tình trạng chảy dịch nên đến spa thì được xử trí khâu lại 3 lần. Tuy nhiên, vết mổ vẫn chảy mủ màu trắng lẫn màu xanh, có hiện tượng nứt toác nên bệnh nhân vào BV Đa khoa Đức Giang thăm khám.

 Bác sĩ khuyến cáo muốn phẫu thuật thẩm mỹ cần tìm địa chỉ uy tín. Ảnh minh họ

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy mép khâu không chuẩn, kỹ thuật khâu không tốt nên gây xô lệch trên da. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng, hoại tử da ở vùng ngực, vết mổ chậm lành, chảy dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng lâu dài sẽ tạo thành sẹo xấu.

Trước mắt, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Khi vết mổ không còn chảy dịch, người bệnh sẽ được phẫu thuật sửa sẹo, nắn lại các vùng khâu bị xô lệch.

Hiện bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ theo dõi, tuần sau có thể cắt chỉ.

3 chốt an toàn người làm đẹp cần lưu ý

Năm năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Cùng với đó các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui” nở rộ. Từ các spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ... đều quảng cáo, hút khách đến làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Những cơ sở này không được cấp phép. Chủ cơ sở, người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ tại đây thường không phải là bác sĩ mà chỉ là người thường học cách làm trong vài tháng, tự mua, mượn máy móc thực hiện... Điều này khiến khách đến làm đẹp phải gánh chịu những di chứng, biến chứng thẩm mỹ tai hại, thậm chí mất cả tính mạng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển cũng phải mất 12 tới 14 năm đào tạo mới hành nghề được.

Khách hàng rất khó phân biệt được giữa các trung tâm, phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “Viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Hàm mặt-Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Từ góc độ bác sĩ, tôi nhận thấy có ba chốt an toàn mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý. Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào không bao giờ thừa. Nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là chốt an toàn lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang