Cảnh báo trò lừa đảo mới “giả mạo ID người gọi” qua điện thoại để tống tiền

author 20:46 14/12/2022

(VietQ.vn) - Mới đây xuất hiện những kẻ lừa đảo am hiểu về điện thoại thông minh đang tung ra một trò lừa đảo mới đó là “giả mạo ID người gọi” để tống tiền.

Cô gái tên là Chelsie Gates (đến từ miền tây Alabama, Mỹ), được biết đến trên mạng xã hội với tên @CityLivingSouthernGirl, đã kể lại vụ việc đau lòng trong một bài đăng, cảnh báo cộng đồng TikTok về trò lừa đảo qua điện thoại di động mới nhất được gọi là “giả mạo ID người gọi”.

Trò lừa đảo cho phép những kẻ lừa đảo “cố tình làm sai lệch thông tin được truyền đến màn hình ID người gọi của bạn để ngụy trang danh tính của họ. Những kẻ lừa đảo cũng thường giả mạo số điện thoại của người hoặc công ty khác.

Theo tờ New York Post chia sẻ ngày 13.12, khi Gates nhận được cuộc gọi từ điện thoại di động của mẹ cô vào khoảng 7 giờ tối, cô ấy vui vẻ trả lời: “Mẹ ơi, có chuyện gì vậy?” Tuy nhiên, Gates nói rằng cô ấy nghe thấy tiếng mẹ mình khóc và bị lôi ra khỏi điện thoại. Đột nhiên, một người đàn ông bí ẩn nghe máy và đe dọa Gates: “Này, tao bắt được mẹ mày rồi. Và nếu mày không gửi tiền cho tao, tao sẽ giết bà già này”.

 Cẩn trọng với những cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại. Ảnh minh họa

Trong lời chứng thực của Gates, cô ấy giải thích rằng mẹ cô ấy làm công việc chăm sóc sức khỏe tại nhà, người thường xuyên chăm sóc bệnh nhân tại nhà riêng của họ. Và do đặc thù công việc của mẹ, nên Gates mặc nhiên mường tượng rằng một trong những khách hàng đang chĩa súng vào mẹ cô.

Gates tiếp tục giải thích rằng giọng nam đầy đe dọa đã hối thúc cô gửi cho anh ta 1.000 USD (khoảng 24 triệu đồng) qua CashApp hoặc Venmo khi người mà cô tin là mẹ mình đã khóc nức nở ở phía sau.

“Tôi không có 1.000 USD trong ngân hàng của mình... Tất cả những gì tôi có là 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng)”, cô nhớ lại. Và anh ấy nói: “OK, hãy gửi đi”.

Trong khi nói chuyện điện thoại với kẻ đang uy hiếp mẹ mình, Gates đã cố gắng cảnh báo cha cô qua tin nhắn. Nhưng tên tội phạm đã ra lệnh cho cô ấy không được cúp máy, gọi cảnh sát hoặc lôi kéo bất kỳ ai khác vào cuộc trò chuyện.

Trước khi gửi tiền qua CashApp, Gates đã yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với mẹ mình để đảm bảo sức khỏe của bà. Tuy nhiên, yêu cầu của Gates đã gặp phải hàng loạt lời lẽ bạo lực từ kẻ lừa đảo.

Gates thú nhận: “Tôi thực sự run rẩy. Vì vậy, tôi đã gửi cho người đàn ông 100 USD tiền chuộc. Ngay sau khi nhận được tiền, anh ta kết thúc cuộc gọi và Gates đã gọi điện lại mẹ cô để xác nhận".

Người bắt máy chính là mẹ cô nhưng người mẹ hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra: “Mẹ tôi không biết tôi đang nói về cái gì”.

Những người theo dõi TikTok đã kinh hoàng và choáng váng trước câu chuyện này. Một số người bình luận thắc mắc làm thế nào kẻ lừa đảo có thể bắt chước giọng nói của mẹ cô. Đối với câu hỏi lặp đi lặp lại đó, cô ấy trả lời: “Tên lừa đảo này hẳn đã nghiên cứu về cách mẹ tôi khóc vì nó thực sự rất giống giọng của bà”.

Liên quan tới các cuộc gọi rác, lừa đảo, theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, thời gian qua tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn (Tổng đài 5656) của Bộ TT&TT đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, có 25.476 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021; 177.473 số lượt phản ánh cuộc gọi rác tăng 34.2%, trong đó, số lượt phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12.5%.

Do đó khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.

Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156: Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656; nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656. Trên cơ sở đó, nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng; đồng thời tổng hợp, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang