Phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế rủi ro, khẳng định vị thế
Xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa của Việt Nam phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn mới
Danh sách cảnh báo sản phẩm Việt Nam có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
Hàng hóa Việt Nam cần làm gì trước xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại của Mỹ?
Nhiều thách thức trong rào cản PVTM
Phòng vệ thương mại (PVTM) là hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện tại có 3 công cụ PVTM được sử dụng phổ biến là: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong 3 biện pháp trên thì biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng điều tra nhiều nhất.
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Tính đến hết tháng 12/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 227 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Riêng trong năm 2022 có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hằng năm, rà soát giữa kỳ/cuối kỳ, rà soát nhà xuất khẩu mới.
Doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các đối tác, những bên liên quan có thể có chung lợi ích với cả các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép; 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU với thép không gỉ cán nguội; 1 vụ việc chống bán phá giá của Indonesia với nhựa Polypropylene Copolymer).
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhận định, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam trong những năm gần đây.
Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh. Một mặt, điều này làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường nước ngoài. Mặt khác, điều này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, buộc Chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại - là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.
Do tác động của dịch bệnh và tình hình chính trị phức tạp trên thế giới đã tác động đến các nền kinh tế, khiến nhiều ngành sản xuất tại các quốc gia phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân lực trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp. Điều này buộc các quốc gia phải tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, … là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam trong năm 2022 đến nay tập trung vào điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Trong đó, đáng chú ý là các vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại chiếm đa số.
Doanh nghiệp nên chủ động thích ứng
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, để hạn chế rủi ro khi bị điều tra PVTM, các doanh nghiệp phải khắc phục tâm lý e ngại khi tham gia vào các vụ việc điều tra PVTM. Thay vào đó, doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Cần liên kết với các đối tác, những bên liên quan có thể có chung lợi ích với cả các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Chu Thắng Trung- Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ cho biết, để giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc điều tra PVTM đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc điều tra PVTM, để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc PVTM cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài...
Theo Bộ Công Thương, cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm PVTM là cục sẽ theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro. Đặc biệt, ngoài việc tìm hiểu các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia đó. Bởi vì khi điều tra PVTM, mỗi quốc gia sẽ thực hiện theo quy định riêng.
Mặt khác, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là đối với các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.
Doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá, không lẩn tránh khi bị điều tra. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi là đối tượng bị điều tra và hối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
An Dương (T/h)