Danh sách cảnh báo sản phẩm Việt Nam có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

author 05:49 10/10/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố danh sách cảnh báo cập nhật mới nhất năm 2023 gồm 18 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Cụ thể, danh sách gồm 18 sản phẩm, gồm:

Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood); Tủ bếp và tủ nhà tắm (Wooden cabinets and vanities); Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered); Đá nhân tạo bằng thạch anh (Quartz surface products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Gạch men (ceramic tile); Xe đạp điện (Electric bicycles); Vỏ bình ga (Steel propane cylinders); Ghim đóng thùng (Carton-closing staples); Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products). Pin năng lượng mặt trời (Solar panels); Thép các-bon chống ăn mòn (CORE); Ống thép hộp và ống thép tròn (Pipe and Tube); Cáp thép dự ứng lực (Prestressed concrete steel wire strand); Máy giặt dân dụng cỡ lớn (Large residential washers); Thép hình cán nóng (Hot rolled structural steel sections); Dây và cáp nhôm (Aluminum wire and cable); Nhôm thanh định hình (Aluminum extrusions); Mặt bích bằng thép không gỉ (Stainless steel flanges).

Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Rất điển hình là sản phẩm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017. Tháng 10 năm 2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7 năm 2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.

Hay như tủ bếp và tủ nhà tắm (Wooden cabinets and vanities) bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020. Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%. Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Theo kế hoạch, tháng 10 năm 2023 DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1 năm 2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.

Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giớiKhông chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.

Khi một quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp của quốc gia này có xu hướng tìm kiếm các cách thức khác để có thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó có thể phát sinh các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba hoặc dịch chuyển đầu tư. Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ cũng thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang