Cập nhật liên tục bão số 10: Miền Trung sẵn sàng chống bão

author 17:42 29/09/2013

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐ PCLBTƯ) trưa hôm nay 29-9, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc TT dự báo Khí tượng thủy văn TƯ- cho biết trưa nay bão số 10 đã ở ngay trên quần đảo Hoàng Sa với cấp gió mạnh cấp 13 (từ 134 - 149 km/h), giật cấp 14 -15.

Trước khi đổ bộ bão mạnh trên cấp 13, giật cấp 16-17.

“Đây là con bão mạnh không thua gì bão Xangsane đổ bộ vào miền Trung ngày 1-10-2006. Đây là cơn bão mạnh nhất vào miền Trung trong 6 năm qua và thời điểm xuất hiện, đổ bộ cũng tương tự bão Xangsane. Trọng tâm bão đổ bộ có nhiều khả năng là Quảng Bình, Quảng Trị nhưng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng phải hết sức đề phòng”- ông Tăng cho biết.

Trước diễn biến của bão mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định trực tiếp dẫn đầu một đoàn công tác đi vào Thừa Thiên - Huế để chỉ đạo phòng chống bão. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng BCĐ PCLB TƯ Cao Đức Phát dẫn một đoàn đi vào Vinh. Hai đoàn công tác này sẽ từ Huế và Vinh đi vào khu vực tâm bão đổ bộ.

Theo ông Tăng trong ngày và đêm 28-9 bão di chuyển rất chậm và thay đổi hướng nhiều lần nhưng chủ yếu vẫn đi theo hướng Tây. Từ rạng sáng 29-9 bão di chuyển nhanh hơn và chủ yếu đi theo hướng Tây. Dự báo sáng 30-9, tâm bão cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khoảng 100km với sức gió mạnh trên cấp 13, giật cấp 16-17. Lúc này bão  có xu hướng đi nhích lên phía Bắc 1 chút khi sát bờ biển và bắt đầu gây  ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền ven bờ.

“Dự báo bão sẽ đổ bộ đất liền trong ngày 30-9, sớm thì từ 15-16 giờ, muộn thì 22-23 giờ đêm. Khi bão áp sát bờ sẽ có gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Khi vào bờ bão suy giảm 1-2 cấp nhưng vẫn còn rất mạnh.Vì vậy việc phòng chống phải hoàn thành trước 10 giờ sáng 30-9” - ông Tăng nhận định.

Với cường độ của bão, ông Tăng dự báo cấp gió mạnh nhất có thể xảy ra  ở các tỉnh phía Bắc và Nam cơn bão như  Thanh Hoá, Quãng Nam có gió mạnh nhất là cấp 6, cấp 7; Nghệ An và Đà Nẵng gió cấp 7,cấp 8 giật cấp 10,11; Thừa Thiên Huế gió cấp 8, cấp 9 giật cấp 12, có thể giật tới cấp 13; ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ảnh hưởng trực tiếp của tâm bão gió mạnh từ cấp 10 đến 12, giật cấp 14, cấp 15.

“Đây là cấp gió mạnh nhất có thể xảy ra trên thực tế. Do bão mạnh và địa hình miền Trung hẹp nên các huyện miền núi sát biên giới với Lào vẫn có gió bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 nên cần phải đề phòng” - ông Tăng cho biết.

Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm 29-9 từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế có mưa, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa xuất hiện nhiều từ gần sáng 30-9. Mưa lớn sẽ tập trung trong ngày và đêm 30-9 sau đó ngớt dần từ Đà Nẵng trở vào. Nhưng từ Huế đến Thanh Hoá mưa có thể kéo dài đến 2-10.

Theo ông Tăng từ Đà Nẵng đến Nghệ An mưa phổ biến 200-300mm, có điểm mưa 400-500mm, đồng bằng Bắc Bộ có mưa 50mmm. Do bão vào trong thời điểm triều cường nên từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng cần đề phòng nước dâng kết hợp sóng biển cao 2-4m.

Ngoài ra do ảnh hưởng của cao áp lạnh, khu vực Vịnh Bắc bộ cũng có gió mạnh cấp 6 nên ông Tăng đề nghị lưu ý tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển này.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN Bộ đội Biên phòng đến trưa 29-9 Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện/254.660 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó có 14 tàu cá /97 người của tỉnh Quảng Ngãi đang di chuyển ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa (4 tàu/28 người chạy lên phía Bắc an toàn, 10 tàu/69 người đang chạy xuống phía Nam tránh bão)

Trước tình hình hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung phần lớn đã đầy nước và nhiều hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương kiểm tra, giám sát và điều tiết hồ chứa hợp lý, hạn chế xả lũ trên các sông có lũ lớn, trước khi xả lũ phải thông báo trước cho cơ quan chức năng và người dân. 

Ông Phát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các địa phương trong vùng ảnh hưởng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm trước 10g ngày 30-9; cho học sinh nghỉ học trong ngày 30-9; các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi kêu gọi tàu thuyền vào bờ, neo đậu đảm bảo, những nơi trọng tâm ảnh hưởng của bão không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi thuỷ sản.

Chỉ đạo tại cuộc họp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cảnh giác với hoạt động của tàu thuyền trên biển do vừa ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lẫn gió bão, có lệnh cấm biển tùy theo tình hình thực tế.

Còn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cấm biển từ 10g sáng 30-9. Đồng thời các địa phương rà soát, sơ tán dân trong khu vực nguy hiểm trước 10g sáng 30-9; tổ chức chằng chống nhà cửa, cảnh giác với gió mạnh, lũ quét, sạt lở ở khu vực miền núi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Với hồ chứa, Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát liên tục, có phương án khắc phục các sự cố trước khi lũ về. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, các địa phương lưu ý hướng dẫn giao thông tại những nơi ngập lụt, cấm phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như xe bị cuốn trôi ở Nghệ An; Bộ GTVT tập trung phương tiện nhân lực ở những nơi xung yếu để khắc phục giao thông ở những nơi bị chia cắt…

Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện các hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum đến Đăk Nông), dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế.

Một số hồ lớn đang xả lũ điều tiết như Đăk Uy, qua tràn 0,5m (Kon Tum) A Yun Hạ, qua tràn 0,1m; Biển Hồ, qua tràn 0,62m (Gia Lai); Hồ Ea Súp Thượng hiện đang xả 200m3/s; Buôn Yong qua tràn 0,4m (Đăk Lăk). Hiện chưa có thông tin về hồ chứa mất an toàn.

Tại Đà Nẵng, ông Phùng Tấn Viết, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị điều hành dự án kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt các công trình thi công có dùng cẩu tháp, trường hợp cần thiết đơn vị thi công phải hạ cẩu.

Sáng cùng ngày, Lữ đoàn 680 (Hải quân vùng 3) đã tăng cường lực lượng giúp ngư dân TP Đà Nẵng đưa hàng trăm tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão.

Quảng Bình: Đến 17g tất cả tàu thuyền không còn ở trên biển

Sáng 29-9, UBND tỉnh Quảng Bình đã họp khẩn với các ban, ngành, địa phương triển khai công tác chống bão số 10. Hạn chót mà UBND tỉnh lệnh cho các ngành, các địa phương là 17g cùng ngày tất cả tàu thuyền của ngư dân không còn được ở trên biển.  

 Theo kiểm tra của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình, đến 14g chỉ còn 12 tàu hiện diện trên biển trên tổng số 3.745 tàu và đang hành trình vào bờ. 

Do các địa phương đã chủ động theo dõi thông tin về cơn bão nên hầu hết người dân các xã ven biển như Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Nhân Trạch, Hải Trạch (Bố Trạch), Ngư Thuỷ Nam, Ngư Thuỷ Trung, Ngư Thuỷ Bắc (Lệ Thủy) và Quảng Phúc, Cảnh Dương (Quảng Trạch) đã hoàn tất việc đưa tàu thuyền vào bờ và các cửa sông tránh bão. Người dân có nhà ở vùng sát bờ biển như Nhân Trạch, Hải Ninh cũng tích cực chằng chống nhà cửa, xếp đặt bao cát chống tốc mái...

Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 10.000 hộ dân ven biển và các vùng xung yếu ven sông cần di dời trước bão. Một số vùng thấp trũng ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh ngành giáo dục cũng có phương án cho học sinh nghỉ học khi mưa to.

Quảng Trị: Lai dắt tàu 900 tấn cùng 9 người vào bờ

Đến chiều 29-9, toàn bộ 9 người trên tàu trục vớt có trọng tải 900 tấn mang biển kiểm soát LA 03237 do ông Nguyễn Ngọc Ba làm thuyền trưởng đã được đưa vào bờ an toàn.

Trước đó, chiều 28-9, chiếc tàu này đang trên đường từ huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) ra phía bắc, đến địa phận vùng biển xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thì hết dầu, chết máy. Đồn biên phòng Cửa Việt cùng ngư dân đã ra ứng cứu. Đến tối cùng ngày mới đưa được tàu cùng 9 ngư dân trên tàu vào nơi an toàn.

 Cũng trong ngày 29-9, công tác phòng chống bão đã được người dân các vùng ven biển Quảng Trị triển khai khẩn trương. Dây néo, bao cát được dung để gia cố mái tôn được người dân sử dụng tối đa. Nhiều hang quán ven biển đã được người dân chủ động tháo mái.

Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, hiện tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào nơi trú bão an toàn. Việc đảm bảo an toàn cho hồ đập được đặc biệt chú ý, bởi phần lớn các hồ đập trên địa bàn đã “nhiều tuổi”. Tuy hiện tại chưa có nguy hiểm nhưng chưa biết khi mưa to nước lớn sẽ xảy ra chuyện gì.

 Nhóm phóng viên - TT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang