Cha, con và...tâm sự tại trường thi

author 10:27 21/08/2015

(VietQ.vn) - Chuyện “hay, dở” xung quanh kỳ thi 2 trong 1 của các em học sinh năm nay báo chí đã nói nhiều. Nhưng những nỗi niềm của “người trong cuộc” thì phải suy nghĩ lắm, tôi mới quyết định kể ra đây.

Khi viết dòng tâm sự này này, gia đình tôi đang ngồi giữa sân một trường Đại học, sau khi đã chi phí mất “sáu mươi nghìn” lệ phí 2 lần nộp hồ sơ và chuẩn bị “nộp thêm 30 nghìn” đồng nữa trong sự lo lắng, hoang mang...

Vì những lý do nhất định, cộng với sự yêu mến một thứ công việc nghiêm túc, bình tĩnh, chính trực và công minh... gia đình chúng tôi định hướng cho con vào Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trước khi đồng ý chọn trường, cháu cũng đã trải qua vòng sơ tuyển ở Viện Kiểm sát cấp huyện từ hồi tháng 3 và được ghi là “Đạt”. Với mức điểm 22 khối A, chưa cộng điểm khu vực, chúng tôi khá yên tâm để mang nguyện vọng 1 về nộp cho trường. Bởi những căn cứ mà báo chí nêu về ý kiến của những người có trách nhiệm là “cứ chênh 2 điểm trở lên so với năm trước, là có thể yên tâm đỗ”. Vậy thì...rất yên tâm rồi, bởi cháu nhà tôi chênh hẳn 4 điểm!

đăng ký xét tuyển đại học đợt 1

Thí sinh nhốn nháo làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển. Ảnh: Quang Định (Tuổi trẻ)

Nhưng, sự việc không diễn ra như vậy. Mỗi ngày “chơi chứng khoán” với bảng điểm cập nhật của trường trên máy tính, là mỗi ngày lo lắng được nhân lên. Tỉ lệ các cháu có số điểm cao cứ tăng lên vùn vụt. Đoán được điều gì sắp xảy ra, gia đình tôi quyết định rút hồ sơ. Nhưng chính trong cái khó khăn đó, lại “ló” ra một “cái khôn” (mà cho đến ngày 20/8, chúng tôi mới thừa nhận cũng... chẳng khôn gì), đó là trong quá trình soi bảng điểm, các khối D01 và A01, số lượng các em nộp hồ sơ rất ít và điểm số của nhóm này cũng không cao. Chúng tôi nảy ra ý định xin chuyển khối. Gọi điện về trường, các thầy đồng ý. Vậy là từ tỉnh lẻ (Quảng Ninh), chúng tôi bắt xe từ 3 giờ sáng, đến giờ hành chính đã có mặt tại trường. Con tôi làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển khối A và nộp lại lệ phí 30 nghìn đồng theo quy định để chuyển sang khối A01.

Từ ngày 15/8, ngày nào gia đình tôi cũng dán mắt vào đếm, đánh dấu số điểm của các cháu cùng nhóm trên máy tính... Đến hôm 19/8, một ngày nhà tôi có thể sẽ rất vui thì cảm giác hụt hẫng đã xâm chiếm. Theo thông báo của trường về kết quả tạm thời, cháu nhà tôi thiếu 0,25 điểm!

Các bác, cô, dì nhà cháu thì cứ nhộn nhịp hỏi thăm trên mạng xã hội facebook. Còn mẹ con nhà cháu đã lên xe về Hà Nội, thuê nhà trọ ngủ qua đêm 19/8. Sáng 20/8 ra Hà Đông rút hồ sơ tại Đại học Kiểm sát và đi “săn” trường mới cho tới giờ.

Trong cái bài viết như kiểu “tường thuật trực tiếp mùa thi” như thế này, chúng tôi đang ngộ ra một điều và rất muốn gửi đến Bộ Giáo dục và Chính phủ một số câu hỏi không chỉ của riêng mình: Rằng tại sao, một mô hình đổi mới có ảnh hưởng lớn đến hàng triệu gia đình như thế, mà khi ứng dụng vào thực tiễn lại không “làm điểm” trước khi nhân rộng? Và những chi phí của gia đình các cháu xung quanh kỳ thi có phải là tiền của, là công sức, là tốn kém hay không?!

Với câu hỏi thứ 2 này, chúng tôi khẳng định, các gia đình rất tốn kém. Đó là cháu đã dự kỳ thi “đánh giá năng lực” của Đại học Quốc gia tại Hải Phòng; là tham gia kỳ thi chung toàn quốc tại hội đồng HHA Hải Phòng; là những chuyến nộp, rút hồ sơ tại Hà Nội, mà cho đến hôm nay vẫn chưa khẳng định là đã đến hồi kết thúc (tất nhiên, có thể nộp tại Sở GD, nhưng trường mà cháu nhà tôi hướng tới lại ghi “khuyến khích các thí sinh nộp hồ sơ tại trường, tránh thất lạc”). Chưa kể những tốn kém về thời gian, mệt mỏi về tinh thần của các phụ huynh như chúng tôi.

Bạn đọc Hữu Bình (Quảng Ninh)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang