Có nhất thiết phải học môn Toán đến hết lớp 12 không?

author 06:21 13/04/2015

(VietQ.vn) - Một độc giả cho rằng, môn Toán đang bị đặt ở một vị trí cao hơn quá nhiều sự đóng góp của nó cho sự nghiệp sau này của người học sinh.

Tôi không thấy sự cần thiết phải được 10 phảy môn Toán ở trung học, trên thực tế chỉ cần đạt đến trình độ toán của sách giáo khoa lớp 8 ở Việt Nam hiện nay là đủ nền tảng số, hình học để theo đuổi hơn một nửa số nghề nghiệp trên đời, kể cả là các ngành kỹ thuật.

Vật lý và hóa học cũng chỉ cần thiết cho khoảng 5% số ngành nghề mà xã hội loài người đang có nhu cầu, nhưng nó chiếm dễ đến 50% số tiết học cả chính khóa lẫn phụ đạo, cũng như ngần ấy áp lực đè nặng lên vai các học sinh thân yêu của chúng ta.

Trên một bàn tiệc chiêu đãi các đối tác, hay một bữa cơm thân mật ở gia đình sếp chẳng hạn, thì kiến thức uyên bác về lịch sử, địa lý, văn hóa hay ẩm thực, được trình bày cuốn hút, uyển chuyển, logic, tự tin bằng một văn phong đẳng cấp, sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều lần một người ngồi lẩm nhẩm tính thể tích rượu còn đọng lại trong ly của người đối diện. Toán, lý, hóa không có mấy tác dụng trong việc tạo lập các mối quan hệ vốn rất cần thiết để thành công trong xã hội.

Xã hội, bản thân nó, chẳng phải là tổng hòa các mối quan hệ giữa người với người hay sao?

Học toán để làm gì

Học môn Toán nhiều để làm gì? Đó là băn khoăn của không ít học sinh qua nhiều thế hệ

Điều này không có nghĩa rằng toán, lý, hóa là xấu xa, chỉ là nó đã bị đặt ở một vị trí cao hơn quá nhiều sự đóng góp của nó cho sự nghiệp sau này của người học sinh. Dưới con mắt thương mại, khi bạn đầu tư quá nhiều mà thu được quá ít, thì tức là bạn đang thua lỗ. Học toán, lý, hóa cũng giống như mua gỗ lim về để bán cho hàng củi.

Một người thành công sẽ bộc lộ rất sớm từ thuở còn đi học, họ thường là những người tìm thấy thơ trong sách đại số, giải hình học không gian bằng cách vẽ nó trong tưởng tượng, và tuyệt nhiên không bao giờ tham gia hoạt động như là đội tuyển toán các cấp chẳng hạn.

Giáo dục thay đổi theo thời gian và không gian, thời cổ đại thì sách giáo khoa chỉ dạy các môn như săn bắn, hái lượm và chiến đấu. Ở vùng quê nghèo hay bản xa thì sách giáo khoa thích hợp nhất vẫn là giáo trình nông nghiệp. Nhưng có một thứ bất biến đó là số năm tuổi trẻ và số giờ trong một ngày của mỗi người luôn không đổi, vì vậy nguyên tắc quan trọng xuyên suốt trong giáo dục đó là chỉ dạy những thứ thật cần thiết cho sự nghiệp mai sau để không lãng phí thời gian. Trên thực tế một quá trình học 8, 9 năm là đủ để đào tạo một em chã thành thiên tài, tất nhiên, mấu chốt là phải tìm ra thiên hướng, năng khiếu của chúng từ khi còn rất nhỏ.

Chúng ta cố dạy tất cả mọi học sinh học chung một bộ sách giáo khoa và cho đó là công bằng, tiến bộ, nhưng tôi thì không nghĩ thế. Hãy tạo cho chúng điều kiện để tự phát triển, thế thôi. Trẻ em như những chiếc đĩa CD trắng mới toe, đừng lạm dụng ghi dữ liệu linh tinh vì nó chỉ có thể ghi được tốt nhất một lần. Đôi khi nhiệm vụ của nhà trường chỉ đơn giản là tạo ra một không gian phù hợp cho những tia chớp thiên tài có cơ hội được lóe lên trong những bộ não chưa bị đầu độc bởi toan tính.

Giáo dục, cần phải trở về đúng với bản chất của nó là một ngành dịch vụ.

Chung Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang