Chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức xấu và có hại cho sức khỏe
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đã tiêu thụ quá nhiều đường
Giả mạo dịch vụ chăm sóc khách hàng Ebay để lừa người dùng
Cảnh giác thủ đoạn mạo danh sàn thương mại điện tử lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội có xu hướng xấu hơn, nhiều khu vực ở mức kém với chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao từ 152 đến 191. Cá biệt có khu vực Phú Thượng (quận Tây Hồ), chỉ số AQI vào 5h sáng nay lên đến mức 217, đến 9h sáng nay là 213 vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe. Các khu vực còn lại ở mức trung bình. Bên cạnh đó, tình trạng nghịch nhiệt, sương mù dày đặc khiến bụi mịn ở Hà Nội tăng cao.
Theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết là một trong những nguyên nhân tác động lớn đến chất lượng không khí của Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đang bước vào mùa đông với thời tiết hanh khô, nắng nóng vào ban ngày, đêm và sáng sớm trời lạnh, khiến chất lượng không khí không được cải thiện. Theo quy luật, ô nhiễm không khí bắt đầu từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm sau.
Chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội diễn biến xấu từ đầu tháng 10 và cho tới hiện tại vẫn còn rất đáng lo ngại. Theo chỉ số AQI, vào giai đoạn chuyển mùa năm 2024 mức độ ô nhiễm không khí diễn biến từ ngày 1/10 đến nay có thời điểm dao động ở mức "kém" hoặc "xấu". AQI trung bình 24h từ 101 - 150 là mức "kém", từ 151 - 200 là mức "xấu" trong thang 6 mức của chỉ số.
Chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng AQI. Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (06 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cụ thể như sau:
Khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và những vấn đề sức khỏe khác cũng tăng theo. Để bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Với người hút thuốc lá, thuốc lào: Nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút; không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.
Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi):
Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.
Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột. Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sỹ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị. Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.
Khánh Mai (t/h)