Chatbot trị liệu AI: 'Con dao hai lưỡi' cho sức khỏe tâm thần

author 07:06 11/05/2025

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Anh đang lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ việc sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế con người trong trị liệu tâm lý.

Chatbot trị liệu là các chương trình máy tính được huấn luyện để giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên, mô phỏng vai trò của một nhà tư vấn tâm lý. Những công cụ này có thể trả lời câu hỏi, gợi ý người dùng phân tích cảm xúc hoặc đưa ra lời khuyên liên quan đến lo âu, trầm cảm và căng thẳng.

Một số nền tảng phổ biến như Wysa, Woebot, Replika đã tiếp cận hàng triệu người dùng trên toàn cầu, chủ yếu thông qua ứng dụng điện thoại hoặc nền tảng trực tuyến. Với khả năng phản hồi tức thì và sẵn sàng trò chuyện bất cứ lúc nào, AI được kỳ vọng sẽ trở thành “nhà trị liệu cá nhân hóa” – một người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe mà không cần đặt lịch hay chờ đợi. Thậm chí, Mark Zuckerberg, CEO của Meta từng tuyên bố: “Tôi nghĩ ai cũng nên có một nhà trị liệu. Và nếu bạn chưa có, thì AI có thể là người bạn trò chuyện đầu tiên”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công nghệ này không thể thay thế sự thấu cảm – yếu tố cốt lõi trong trị liệu tâm lý. Theo Giáo sư Dame Til Wykes, chuyên gia thần kinh và tâm lý tại Đại học King’s College London, chatbot chỉ có thể bắt chước con người, nhưng không thể hiểu được sự phức tạp của cảm xúc hay biết khi nào cần lắng nghe và phản hồi tinh tế. AI cũng không có khả năng đánh giá nguy cơ trong những tình huống nghiêm trọng như tự tử hay tự hại – điều mà các nhà trị liệu chuyên môn luôn chú trọng để can thiệp kịp thời.

Năm 2023, một chatbot hỗ trợ người rối loạn ăn uống từng bị phát hiện khuyến khích người dùng tiếp tục cắt giảm calo thay vì hỗ trợ phục hồi lành mạnh. Sau phản ứng dữ dội từ cộng đồng và giới chuyên môn, công cụ này đã bị gỡ bỏ.

OpenAI vừa gỡ bỏ phiên bản chatbot đưa ra những phản hồi "quá nịnh" trên Chat GPT.

Trong một thế giới nơi phụ nữ phải cân bằng giữa công việc, con cái và áp lực duy trì hình ảnh “hoàn hảo” trên mạng xã hội, ngày càng nhiều người tìm đến AI như một giải pháp tinh thần dễ tiếp cận. Grace Carter, 34 tuổi, đến từ Anh, từng sử dụng ChatGPT để xin lời khuyên tình cảm sau khi quá mệt mỏi vì những cuộc cãi vã với bạn trai. Cô chia sẻ: “Ban đầu tôi thấy thật kỳ cục, như đang thú tội với một cỗ máy. Nhưng không hiểu sao, nó khiến tôi bình tĩnh lại. Và rồi chúng tôi làm hòa".

Carter không phải trường hợp cá biệt. Theo báo cáo năm 2024 của Pew Research, có đến 29% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi 25–45 từng dùng AI để giải quyết khúc mắc tâm lý cá nhân, trong đó hơn một nửa liên quan đến chuyện tình cảm. Với nhiều người, AI mang đến cảm giác an toàn vì không phán xét, không trách móc, cũng không mệt mỏi vì nghe chuyện lặp lại.

Tuy vậy, giới chuyên môn cảnh báo nếu không được kiểm duyệt nghiêm ngặt, chatbot AI có thể đưa ra lời khuyên sai lệch, thậm chí gây hại – chẳng khác nào một bác sĩ kê đơn nhầm thuốc.

Đáng lo ngại hơn, việc phát triển và triển khai các chatbot này hiện gần như không chịu sự quản lý pháp lý cụ thể. Nhiều công ty kèm theo điều khoản “miễn trừ trách nhiệm”, trong đó khẳng định sản phẩm không thay thế lời khuyên chuyên môn và không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Một rủi ro khác là con người ngày càng có xu hướng thay thế quan hệ xã hội thật bằng sự tương tác với chatbot. Dù AI có thể mô phỏng cảm giác được lắng nghe, nó không thể thay thế những kết nối thực tế – vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe tâm thần.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang