Chiếc áo len Nội đan

author 16:11 31/01/2022

(VietQ.vn) - Nội mất đêm Giao thừa trong một cơn tai biến. Hơi thở cuối cùng Nội trút khi tiếng pháo nhà hàng xóm vừa ngưng. Tang lễ của Nội lặng lẽ và thưa thớt người, gói gọn trong một buổi chiều nhập nhoạng tối. Do bệnh trở nặng mà tấm áo mới Nội đan cho tôi diện Tết còn dang dở.

Thời gian thấm thoát, Tết Nhâm Dần cũng là cái giỗ thứ hai mươi của Nội. Ba tôi thường làm giỗ Nội vào ngày cuối cùng của tháng Chạp. Bởi hôm đó các cô chú về tề tựu đông đủ, còn sang ngày mùng Một ai cũng phải chăm lo Tết cho gia đình nhỏ của mình.

Ngày mùng Một giỗ Nội, nhà tôi vẫn nấu cơm cúng. Nội thích ăn xôi sắn nên mẹ tôi năm nào cũng nấu xôi sắn và rải lên một chút dừa bào. Xôi sắn mẹ nấu không ngon bằng Nội nấu. Cũng có thể do ngày xưa - thời còn nghèo khó, chỉ ngày Tết mới được ăn bữa cơm tươm tất, ngày thường gia đình tôi phải ăn cơm độn sắn với ba phần sắn và một phần cơm. Thế nên khi ấy, xôi là một món quà xa xỉ.

Hồi đó thi thoảng đi học về, từ đầu ngõ tôi thấy căn bếp khói nghi ngút, thơm lừng mùi cơm nếp, tôi biết chắc chắn rằng, Nội đang nấu xôi để chia cho đám cháu. Nội thường dành dụm chút bạc lẻ đi chợ phiên mua gạo nếp và nấu xôi sắn. Chiếc chõ nhỏ xíu cũng chỉ đủ chia cho đám cháu mỗi đứa một nắm no nê nhiều phần xôi hơn sắn.

Xôi Nội nấu tơi, thơm và ngọt thanh vị nước cốt dừa. Đến tận bây giờ, trong ký ức của tôi vẫn chưa thể nào quên được vị xôi sắn Nội nấu. Những khuya đi làm về trễ qua hàng xôi rực rỡ sắc màu ở ngã tư thành phố, tôi vẫn lặng lẽ nuốt nước miếng vì thèm thuồng vị xôi sắn của Nội. Nội mất, từ khi đó tôi mất đi vị xôi ngon nhất của cuộc đời mình và cũng từ khi đó, tôi không còn được mặc áo mới Nội đan.

Tôi là đứa cháu út mà Nội yêu quý, từ khi tôi lên ba tuổi, mỗi năm, Nội thường dành dụm chút tiền lẻ đi chợ phiên mua len và ngồi tỉ mẩn vót que đan áo cho tôi. Nội bôi một chút mỡ lợn rồi huơ que đan lên bếp lửa. Nội đan chừng nửa tháng là tôi có một chiếc áo len mới để đón Tết cùng bạn bè trong xóm.

Năm tôi lên sáu tuổi học lớp vỡ lòng, trước kỳ nghỉ Tết năm đó, tôi khoe Nội được học sinh giỏi, Nội lúc này mắt đã kém, hai hàng nước luôn thường trực và gỉ lại đọng thành vệt đen nơi khóe mắt nhăn nheo. Nhưng Nội vẫn miệt mài đan áo để tôi đón Tết. Tôi thấy, Nội mua một cuộn len mới nhưng chỉ nhỏ xíu như bắp tay Nội.

Tôi hỏi Nội: “Con lớn rồi thì cuộn len này sao đủ đan áo mới cho con?”. Nội cười móm mém, Nội bảo: “Con học giỏi chắc chắn sẽ có một chiếc áo mới vừa vặn, đó là phần thưởng cho con”.

Khi ấy mỗi ngày, Nội thường đưa mảnh len đã đan lên người tôi để đo. Tôi phát hiện ra, cuộn len nhỏ xíu ấy Nội chỉ đan đủ cái cổ áo cùng hai cánh tay. Còn phần thân áo, Nội gỡ len từ chiếc áo mới mà cô tôi mua tặng, Nội để dành trong chiếc rương cũ từ rất lâu rồi.

Năm sau tôi học lớp hai, tôi lại khoe Nội được học sinh giỏi. Tôi không đòi Nội đan áo len nữa vì tôi biết Nội không đủ sức để ngồi đan áo cho tôi. Bởi Nội đã không còn khả năng đi lại. Đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về lúc chớm đông, Nội bị ngã, khuỵu lại góc sân khi đang hái mấy lá trầu.

Từ đó, Nội bị liệt nửa người chỉ nằm một chỗ. Những ngày giáp Tết, Nội trở bệnh nặng. Rồi, Nội trút hơi thở cuối cùng trong đêm Giao thừa. Cô y sĩ thôn nói, Nội đã mất sau một cơn tai biến. Trong chiếc rương cũ của Nội khi ba tôi mở ra, cuộn len Nội cất trong đó đã được đan thành nửa tấm áo. Hai chiếc kim đan vẫn gài trong những sợi len. Cạnh đó, một chiếc áo len cũ của Nội đang được gỡ dở dang.

Có lẽ, Nội đang đan áo Tết cho tôi nhưng sợ tôi buồn vì Nội gỡ áo cũ đan, bởi Nội muốn sản phẩm tôi nhận là một chiếc áo mới tinh tươm đón Tết.

Sau này mẹ mới cho tôi biết, Nội nhờ mẹ vót kim đan, lấy chiếc áo cũ để gỡ từng sợi len lúc tôi đi học rồi đan áo cho tôi đón Tết. Nhưng vì bệnh nặng mà Nội đã không thể đan kịp chiếc áo mới. Có lẽ, Nội vẫn mong năm sau Nội khỏe, Nội sẽ hoàn thiện chiếc áo để tôi diện Tết. Nhưng mà không kịp nữa rồi, Nội ơi!

Mỗi lần giỗ Nội, tôi đều nhớ đến những tấm áo Nội đan. Tôi luôn tự trách bản thân mình, lúc đó còn quá nhỏ nên không giữ lại tấm áo cuối cùng Nội đang đan dở làm kỷ niệm.

Bởi nó và chiếc rương cũ của Nội đã được các chú mang đi thiêu rồi thả tro xuống bến sông làng sau khi Nội mất được 49 ngày. Và Tết Nhâm Dần năm nay tròn hai mươi năm ngày Nội mất.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang