Chủ doanh nghiệp trần tình việc cấm nhập hoa quả Úc

author 11:35 11/01/2015

Nhiều nhân viên tư vấn, bán hàng cho biết việc cấm nhập chỉ là tin đồn, còn chủ doanh nghiệp khẳng định họ chỉ còn một đợt hàng cuối cùng

Cấm nhập chỉ là tin... lá cải?

Tiếp tục khảo sát của phóng viên ngày 7/1/2014, trong vai người mua hoa quả biếu sếp lớn, các mặt hàng nhập khẩu từ Úc như mận, xuân đào, cherry, dưa, cam, xoài vẫn được bày bán rất nhiều trên các cửa hàng của trong địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại cửa hàng của Klever Fruits trên đường Nguyễn Chí Thanh, sau một hồi hỏi han về giá cả, chất lượng, cách bảo quản... phóng viên (trong vai khách hàng) có bày tỏ nghi ngại về vấn đề các báo đưa tin cấm nhập hoa quả Úc từ 1/1/2015, nhân viên bán hàng ở đây cho biết:

"Những thông tin cấm đoán chỉ là tin đồn thất thiệt và đăng tải trên các báo lá cải, anh chị có thấy báo đài truyền hình chính thống nào đăng tải thông tin đó đâu."

Đồng thời, nhân viên này khẳng định không có sự ảnh hưởng nào tới nguồn hàng của công ty và tính an toàn đảm bảo của các sản phẩm được bày bán.

Loại xoài Úc được tư vấn "về đến đâu hết đến đó".

Tại địa điểm khác trên đường Láng Hạ, nhân viên bán hàng tại đây khẳng định thông ti cấm nhập chỉ là tin đồn, không có đơn vị nào cung cấp thông tin hay chưa nhận được một văn bản nào cụ thể. Phía công ty vẫn nhập hàng bình thường.

“Những thông tin cấm chỉ là tin đồn thất thiệt và đăng tải trên các báo lá cải, ông Hồng Cục Bảo vệ thực vật còn từng khẳng định không có việc Việt Nam không nhập khẩu hoa quả từ Úc vào hồi tháng 7 vừa rồi đấy.”

Trong khi đó, tại một cửa hàng khác ở địa chỉ 12H Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), trước nghi ngại về những thông tin cấm nhập của Cục Bảo vệ thực vật, nhân viên ở đây tư vấn:

"Năm 2015 đã cấm nhập nên chỉ còn lô cuối cùng này và có giấy phép đầy đủ. Vì hàng được bảo quản ở môi trường chân không, sau đó phân phát về các quầy hàng nên được để nhiệt độ từ 0-4 độ C. Vì thế nên không bị ảnh hưởng về chất lượng. Nếu hết lô hàng này mà vẫn không được thông thương thì sẽ không còn hoa quả Úc để bán nữa. Tuy nhiên khách hàng hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại quả tương tự như cherry của Chile."

Đi tìm nguồn gốc hoa quả Úc

Chiều ngày 8/1/2014, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải, giám đốc công ty Klever Fruits để tìm hiểu về những loại hoa quả được nhập khẩu từ Úc và nguồn gốc của các loại hàng này.

Ông Nguyễn Hải cho biết: "Chúng tôi nhập đợt hàng cuối cùng hôm 31/12/2014. Nếu bán hết đợt hàng này sẽ không còn hoa quả Úc để bán ra thị trường nữa.

Những loại hoa quả như cherry được bảo quản bằng túi chuyên dụng nên có thể giữ được trong thời gian từ 2 đến 4 tuần. Hoặc với mận Úc, chúng tôi mua những loại quả còn xanh, với các tính toán khoa học, công nghệ có thể tính toán được rõ ràng thời điểm chín dần, phù hợp để bán ra thị trường.

Với phương pháp này chúng tôi có thể bảo quản được trong hai tháng là chuyện hoàn toàn bình thường, và công nghệ bảo quản của các nước tiên tiến trên thế giới đều như vậy. Và đảm bảo được tính năng bảo quản tự nhiên của sản phẩm."

Đồng thời ông Hải khẳng định: "Hiện tại đã không còn giấy phép nhập khẩu. Nếu chính phủ cho phép thì chúng tôi sẽ nhập được ngay, còn nếu không cho phép, thì sau đợt hàng cuối cùng vừa rồi chúng tôi sẽ không còn hoa quả Úc để bán cho thị trường."

Khi hỏi về quy tắc nhập khẩu của công ty, ông Nguyễn Hải cho biết: "Trong năm 2014, nguyên tắc cấp giấy phép nhập khẩu vẫn theo kiểu cũ. Ví dụ đến mùa cherry của Úc, công ty sẽ tính toán nhu cầu của thị trường là bao nhiêu tấn và xin giấy phép nhập khẩu số lượng đó. Và sẽ được các cơ quan chức năng cấp giấy phép cho một mùa đó.

Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, thể hiện chính phủ Việt Nam cho phép nhập. Nhưng còn điều kiện đủ, khi hàng về đến cảng hàng không, chi cục bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra ngay tại sân bay.

Nếu đầy đủ các giấy tờ chứng thực, đảm bảo từ phía chính phủ Việt Nam và chính phủ quốc gia xuất khẩu thì cơ quan này sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên trong lô hàng, mang về phòng thí nghiệm để kiểm định, nếu đầy đủ các yêu cầu mới có thể được chuyển sang hải quan để làm thủ tục thông quan."

Ông Nguyễn Hải cho biết thêm: "Năm 2015 sẽ có nhiều thay đổi, tuy nhiên Cục bảo vệ thực vật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Giấy phép cuối cùng chúng tôi được cấp là 31/12/2014 mà thôi."

Hoa quả Úc bảo quản được bao lâu?

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp nêu trên thì hoa quả nhạy cảm như cherry bảo quản được từ 2-4 tuần. Còn các loại quả khác thì tùy vào từng loại và chờ chín dần.

Nhưng trước đó, trao đổi với báo Đất Việt ngày 8/1, ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết "nếu bảo quản tốt từ 1-5 độ C thì có thể để được từ 6 - 10 tháng."

Ông Hồng cũng khẳng định, việc tạm ngừng cấp giấy phép kiểm dịch cho hoa quả Úc vẫn đang được duy trì, tuy nhiên không thể nói rằng hoa quả Úc bán trên thị trường Việt Nam là hàng dởm bởi các doanh nghiệp có thể nhập theo giấy phép cũ hoặc họ vẫn còn hàng tồn trong kho.

"Nếu giấy phép kiểm dịch thực vật của các doanh nghiệp trên vẫn còn hiệu lực thì họ vẫn nhập, dù từ ngày 1/1/2015 Cục BVTV không cấp giấy phép nữa. Ngoài ra, hoa quả Úc và các nước khác nhập về Việt Nam nếu bảo quản trong điều kiện tốt từ 1-5 độ C có thể để được 6-10 tháng. Do vậy, có thể hàng tồn của các đơn vị còn nhiều, được bảo quản trong các kho lạnh và bán trong điều kiện mát nên giữ được lâu. Có lô hàng doanh nghiệp vừa nhập trong tháng 12/2014 đến giờ còn hàng trăm tấn, đã qua kiểm dịch rồi thì vẫn được bán".

Về nghi vấn một số cửa hàng có thể dán mác Úc cho hoa quả Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: "Việc trà trộn loại nào với loại nào không phải việc của chúng tôi mà là của bên quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, còn chúng tôi chuyên về kiểm dịch thực vật".

Cục trưởng Cục BTVT cũng nói thêm: "Cục BVTV sẽ cấp giấy phép kiểm dịch thực vật trở lại khi nào Úc khống chế được dịch ruồi đục quả và chấp nhận cùng Việt Nam đưa ra các biện pháp để loại bỏ mối nguy lây lan sang Việt Nam".

Theo Báo đất Việt


 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang