Chuyên gia EuroCham hiến kế phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

(VietQ.vn) - Các chuyên gia từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua cải thiện cơ cấu giao thông, khuyến khích xây dựng bền vững và cải cách khung pháp lý.
Thúc đẩy giải pháp phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nền kinh tế xanh tại Việt Nam
Thúc đẩy giải pháp phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nền kinh tế xanh tại Việt Nam
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh- mục tiêu hàng đầu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Biến năng suất lao động trở thành động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Giao thông xanh và xây dựng bền vững – đòn bẩy kinh tế và môi trường
Theo Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách của EuroCham Việt Nam Jean-Jacques Bouflet, ngành giao thông đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng khi chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang phát triển giao thông xanh. Việc đẩy mạnh phát triển xe điện không chỉ giúp giảm đáng kể tác động môi trường, mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế lớn. Theo những con số ước tính, khi xe điện chiếm được khoảng 20–30% thị phần, ngành này có thể đóng góp lên tới hơn 7.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và giảm khoảng 5 triệu tấn khí CO₂ mỗi năm. Những thành tựu này không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và tạo ra hàng ngàn việc làm.
Xu hướng giao thông xanh là tất yếu để Việt Nam đạt mục tiêu 'Net Zero' vào năm 2050. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi so với các quốc gia láng giềng vốn đã có khung chính sách ưu đãi hấp dẫn và ổn định. Hệ thống ưu đãi hiện hành còn nhiều hạn chế và chưa đủ sức tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện và các nhà đầu tư.
Trước tình hình đó, Jean-Jacques Bouflet khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng một cơ chế ưu đãi thuế toàn diện và đồng bộ, không chỉ tập trung vào miễn, giảm lệ phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện, mà còn mở rộng hỗ trợ cho xe hybrid sạc ngoài (PHEV) – những dòng xe có tiềm năng giảm phát thải nhưng hiện chưa được hưởng lợi tương xứng.
Song song với đó, đầu tư hạ tầng trạm sạc cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, đồng thời tích hợp các giải pháp công nghệ trong quy hoạch giao thông đô thị.
Không chỉ dừng lại ở giao thông, ông Michel Cassagnes – Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng của EuroCham nhấn mạnh vai trò của ngành xây dựng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Tính đến tháng 9 năm 2024, Việt Nam mới chỉ có 514 công trình xanh được cấp chứng nhận, một con số cho thấy sự chậm chạp và chưa đạt được hiệu quả tối ưu so với tốc độ đô thị hóa và nhu cầu sử dụng không gian xanh của quốc gia.
Ông Cassagnes khuyến nghị cần tích hợp các yêu cầu về xây dựng bền vững vào các văn bản pháp lý trọng yếu nhằm tạo ra một bộ tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ cho các công trình xanh. Đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chuẩn Eurocodes trong đó tiêu chuẩn EN 206 về bê tông được coi là “ngôn ngữ thiết kế” quốc tế sẽ giúp Việt Nam tạo ra một nền tảng vững chắc cho hợp tác xuyên biên giới, hỗ trợ quá trình số hóa ngành xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chính những bước đi đột phá này sẽ giúp ngành xây dựng không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Cải cách khung pháp lý - nền tảng cho đầu tư và thương mại công bằng
Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp lý của EuroCham Việt Nam Leif Schneider cho biết, hệ thống pháp lý hiện tại cần được cải cách sâu rộng để tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh công bằng và thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Các quy định liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) hiện đang phân tán và thiếu nhất quán, điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ mà còn làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam.
Theo ông Schneider, một khung pháp lý ESG toàn diện và đồng bộ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa thực tiễn quản lý và các cam kết quốc tế, từ đó góp phần thu hút dòng vốn đầu tư bền vững.
Bên cạnh đó, khung pháp lý về kiểm soát M&A (mergers and acquisitions – sáp nhập và mua lại) hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong các quy trình tái cơ cấu nội bộ của doanh nghiệp. Các quy định chưa rõ ràng, thiếu những ngưỡng kiểm soát cụ thể và quy trình đơn giản hóa có thể tạo ra những bất ổn và chậm trễ trong các giao dịch xuyên biên giới.
EuroCham đề xuất cần hoàn thiện quy trình kiểm soát M&A với các ngưỡng rõ ràng, thủ tục được đơn giản hóa nhằm tạo sự chắc chắn và tăng cường tính minh bạch cho các hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực thương mại, các chuyên gia EuroCham cũng chỉ ra rằng yêu cầu Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) đang trở thành rào cản không cần thiết, trái ngược với cam kết của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Việc duy trì yêu cầu này không những gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu mà còn làm mất đi sự cạnh tranh công bằng so với các đối tác thương mại khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khi các nước thành viên đã loại bỏ những rào cản tương tự. Do đó, việc bãi bỏ CFS được xem là bước tiến chiến lược nhằm tạo ra một môi trường thương mại công bằng, minh bạch và thúc đẩy hoạt động kinh doanh giữa các đối tác quốc tế.
Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và thực phẩm dinh dưỡng, việc hiện đại hóa khung pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả để giải quyết những trở ngại hiện hữu. Các biện pháp này không chỉ giúp đưa các sản phẩm an toàn và hiệu quả ra thị trường nhanh chóng hơn mà còn góp phần nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường và giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Duy Trinh