Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Trả lời của CEO Asanzo Phạm Văn Tam cho thấy sự thiếu cầu thị

author 16:24 27/06/2019

(VietQ.vn) - “Cần làm rõ việc trốn thuế, ngang nhiên bóc tem dán nhãn “Made in Vietnam”, núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao của Asanzo”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Sự việc CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập thiết bị điện tử tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam đang gây xôn xao dư luận. Về sự việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.

Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để hiểu hơn về vấn đề này.

 Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh VOV1

Asanzo "núp bóng" hàng Việt Nam chất lượng cao

Thưa ông, liên quan đến nghi vấn Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam”, phía Asanzo đã lên tiếng thừa nhận sử dụng linh kiện Trung Quốc và sản phẩm của họ không phải “made in Vietnam” mà xuất xứ tại Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Việc Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam là vi phạm phát luật. Có một số vấn đề nghiêm trọng của Asanzo như sau: Thứ nhất, Asanzo (có 2 sản phẩm) núp dưới danh nghĩa hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin đã tước danh hiệu này của Asanzo.

Thứ hai là vấn đề trốn thuế. Khi hàng nguyên chiếc của Trung Quốc muốn nhập khẩu vào nước ta phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng nếu đưa linh kiện qua biên giới thì chỉ việc đóng thuế giá trị gia tăng (VAT).

Thứ ba, việc ngang nhiên bóc tem nhãn hiệu Trung Quốc, dán tem nhãn hiệu Asanzo là giả mạo. Đặc biệt nhấn mạnh “Công nghệ Nhật” lại là sự gian dối.

Mới đây, ông Tam trả lời báo chí: “Sản phẩm của chúng tôi không phải hàng Việt”. Tôi đặt vấn đề rằng: “Không phải hàng Việt thì Asanzo nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao làm gì? Theo tôi, câu trả lời của ông Tam cho thấy sự thiếu cầu thị.

Do đó, các Bộ cần phải làm rõ về quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo tôi, danh hiệu không nên là vĩnh viễn. 2-3 năm, phía bà Vũ Kim Hạnh nên kiểm tra nó để thấy lúc đầu kiểm tra và đến hiện tại nó biến dạng như thế nào?

Sau việc Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc nhưng gắn mác “Made in Vietnam”, một vài hệ thống siêu thị đã gỡ các mặt hàng của Asanzo. Ông nhìn nhận thế nào về phản ứng này?

Sau thông tin trên, một số siêu thị đã gỡ bỏ mặt hàng của Asanzo, trong đó hệ thống cửa hàng Nguyễn Kim áp dụng chương trình đổi trả các mặt hàng của Asanzo. Một số cửa hàng điện máy khác đang nghe ngóng tình hình.

Theo tôi, siêu thị có một phần trách nhiệm về việc này. Trong quy chế của Bộ Công Thương có ghi: “Nhà bán lẻ phải định kỳ trở lại nhà cung cấp để kiểm tra hàng hóa”, nếu kiểm tra thì không có chuyện của Asanzo ngày hôm nay.

Thực tế, bây giờ có nhiều mặt hàng tivi, tủ lạnh, đồ gia dụng của nhiều thương hiệu như: Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia; hàng Việt Nam, hàng liên doanh... Nếu Asanzo bị đánh bay khỏi các hệ thống siêu thị bán lẻ, các thương hiệu khác sẽ thay thế ngay. Do đó, người tiêu dùng không lo thiếu hàng.

Nỗi lo "ma trận" hàng hóa

Từ vụ việc Asanzo, hay trước đó là Khaisilk… điều gì đáng lo nhất trong hoạt động quản lý hiện nay, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, các mặt hàng đa dạng sẽ giúp người tiêu dùng thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, sự phong phú này cũng khiến họ dễ rơi vào bẫy hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Lớn hơn là nỗi lo ma trận hàng hóa. Ví dụ, khi nhìn một chiếc nồi cơm điện trên thị trường, chúng ta khó phân biệt đâu là hàng Trung Quốc, Thái Lan vì nó rất giống nhau. Như vậy, đây là trách nhiệm của nhà bán lẻ, cùng đơn vị cung ứng cần liên kết thành chuỗi, làm rõ nhãn hiệu, mã số mã vạch, QR code, truy xuất nguồn gốc…

Theo ông, để bảo vệ hàng Việt trước ngưỡng cửa hội nhập, chúng ta cần phải làm gì?

Động thái của Asanzo làm nguy hại cho hàng Việt Nam. Bởi nó chiếm 17% thị phần điện máy (tivi, điều hòa, hàng gia dụng) trong nước. Điều này làm thiệt hại không nhỏ tới doanh nghiệp chân chính.

Cơ quan quản lý cần chủ động bảo vệ người tiêu dùng và làm trong sạch đội ngũ chống hàng giả. Không mắt nhắm mắt mở cho hàng lậu trốn thuế, len lỏi vào thị trường.

Thực ra, cái ba-ri-e trong việc quản lý thị trường nội địa của Việt Nam còn kém. Từ vụ Khaisilk đến Asanzo, việc quản lý của chúng ta rơi vào tình trạng “bệnh trọng bệnh” cần phải chữa nhanh. Chúng ta đang vận động “Người Việt dùng hàng Việt” nhưng lại làm người tiêu dùng mất niềm tin.

Theo tôi, cách bảo vệ hàng Việt tốt nhất là sản xuất phải mạnh lên; sản xuất theo chuỗi, xử lý và chống hàng giả quyết liệt. Tuyên dương những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, việc quản lý cũng phải theo chuỗi, từ địa chỉ nơi sản xuất, hóa đơn chứng từ sản phẩm…

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

 Thúy Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang