Từ vụ việc Công ty Asanzo: Cần có quy định cụ thể về 'hàng Việt Nam' hay 'made in Việt Nam'
Sự kiện: Kinh doanh
Chủ tịch VCCI: Asanzo theo con đường 'chụp giật'
Vụ Asanzo: 'Không thể nói lắp ráp 2-3 mảng miếng ai cũng làm được rồi tự nhận là hàng Việt'
Nghi vấn Asanzo 'cạo tem Trung Quốc, dán tem Việt Nam': Bộ Công Thương chỉ đạo 'nóng'
Mượn xuất xứ hàng Việt để trục lợi
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân cung cấp, là hành vi bị cấm.
Các sản phẩm của Asanzo đang bị các cơ quan chức năng kiểm tra do nghi vấn giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam. Ảnh: Facebook công ty.
"Có thể nói, bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào không chấp hành những quy định trên, đều là vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Từ nghi vấn doanh nghiệp điện tử Asanzo nhập hàng Trung Quốc về và gắn mác "made in Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây không phải câu chuyện cá biệt. Cách đây chưa lâu, doanh nghiệp Khaisilk có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi nhập lụa Trung Quốc về rồi dán mác "made in Việt Nam". Doanh nghiệp này đã bị cơ quan chức năng xử lý và người tiêu dùng tẩy chay.
"Qua sự việc Khaisilk, Asanzo mới thấy, cần phải giúp người tiêu dùng nhận biết thế nào là hàng Việt Nam để ưu tiên sử dụng, trong đó việc làm rõ khái niệm thế nào là hàng Việt Nam là cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, có một số doanh nghiệp lợi dụng tâm lý ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để giả mạo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm", Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, quá trình giải quyết khiếu nại của Hội cho thấy, không ít sản phẩm hàng hóa quảng cáo gây nhầm lẫn, thậm chí cố tình ghi sai về xuất xứ, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Cần có những quy định cụ thể khi ghi cụm từ “xuất xứ Việt Nam”, “hàng Việt Nam”, “made in Việt Nam”… trên sản phẩm, hàng hóa, cần đáp ứng những tiêu chí gì, chứ không thể để doanh nghiệp tự ý ghi.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận; mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định điều tra phòng vệ thương mại với thép Việt Nam do nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn Mỹ từng có quyết định áp thuế chống bán phá giá với mức cao ngất ngưởng.
Cần những quy định rõ ràng
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa, nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 trước kia) có phạm vi điều chỉnh là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết quốc tế, hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.
Do đó, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" - "made in Việt Nam" là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Qua trao đổi giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần chế tài xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp cố tình kê khai sai xuất xứ hàng hóa nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc hưởng lợi khi xuất khẩu.
Một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đôla Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm.
Theo Báo Tin tức