Chuyên gia lên tiếng về cầu gần 6.000 tỷ nứt dầm thép

author 12:31 18/11/2017

(VietQ.vn) - ''Nứt bê tông còn có thể xem xét, nhưng nứt dầm thép như vậy là rất nghiêm trọng. Nhìn ảnh chụp vết nứt mà cảm thấy rùng mình''.

Liên quan đến việc một dầm thép tại trụ T29 công trình cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp với Cần Thơ bị nứt rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m, trao đổi với Đất Việt ngày 16/11, một chuyên gia giao thông nhận định:

Với vết nứt quá rộng và dài như vậy, có thể khẳng định đây là sự cố vô cùng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến kết cấu chính của cây cầu. Nếu không phát hiện kịp thời, hậu quả rất khó lường.

''Một công trình lớn như cầu Vàm Cống lại để xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy khiến người ta cảm thấy khó hiểu. Nứt bê tông còn có thể xem xét, nhưng nứt dầm thép như vậy là rất nghiêm trọng. Nhìn ảnh chụp vết nứt mà cảm thấy rùng mình.

Vết nứt trên dầm thép trụ cầu rộng 4 cm dài khoảng 2 mét. Ảnh: TNO 

Có nhiều nguyên nhân khiến dầm thép bị nứt, có thể do tải trọng không đều khiến cho dầm bị uốn hoặc xoắn nên gây ra nứt.

Cũng có thể do chất lượng dầm thép có vấn đề. Thép dầm cần dày, để cán dày mà đồng chất thì đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu cán không đồng chất, vật liệu thép trong dầm không được phân bố đều, nó sẽ dễ bị phá hoại ở vị trí giao giữa hai loại chất lượng vật liệu, giống như mối nối vậy.

Nguyên nhân khách quan do tự nhiên (địa chất, thời tiết) cũng có thể gây ra sự cố. Trường hợp này rất khó xảy ra nhưng không thể loại trừ'', vị chuyên gia phân tích.

Theo vị chuyên gia giao thông, sau khi xảy ra sự cố nói trên, cần theo dõi vết nứt để có thể đưa ra những phương án xử lý cụ thể.

Nếu vết nứt dừng phát triển sửa bằng cách dùng bản táp hai bên. Táp bulong hay hàn thì phải để các chuyên gia tính tải trọng và lực tác dụng vào vị trí dầm nứt.

Nếu vết nứt tiếp tục phát triển tiếp thì không thể gia cố. Trường hợp xấu nhất là dựng giáo thay dầm mới. Việc này rất phức tạp và tốn kém.

''Do tính chất của sự việc, cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Bộ GTVT cần phải vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố, đồng thời đưa ra phương án xử lý cụ thể. Tiến hành giám định lại chất lượng toàn bộ cây cầu, công khai kết quả để người dân yên lòng.

Bên cạnh đó, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thí nghiệm vật liệu dầm, hồ sơ kết cấu, quy trình thi công, sai ở phần nào quy trách nhiệm, xử lý nghiêm đơn vị chịu trách nhiệm phần đó, tránh tạo tiền lệ xấu'', vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chuyên gia lên tiếng về cầu gần 6000 tỷ nứt dầm thép

 Cầu Vàm Cống được hợp long vào ngày 29-9-2017. Ảnh: ÁNH NGUYỆT/Sài Gòn giải phóng.

Trước đó báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, ngày 17-11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã tổ chức họp với các bên liên quan để xử lý vụ việc cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu bị nứt dầm thép trong khi đang thi công những hạng mục cuối cùng để hoàn thiện và đưa vào khai thác.

Theo Bộ GTVT, cầu Vàm Cống thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án kết nối Khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu chuyên nghiệp, hàng đầu của Hàn Quốc, trong đó, đơn vị tư vấn thiết kế - giám sát Hàn Quốc là Liên danh Dasan - Kunhwa -Pyunghwa, nhà thầu thi công Hàn Quốc là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin. Cầu được hợp long ngày 29-9-2017, hiện đang thi công các hạng mục thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường và lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng.

 Hoàng Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang