Nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng hỗ trợ phòng ngừa ung thư, huyết áp của giảo cổ lam

author 05:56 08/04/2025

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia y học tái tạo của Mỹ, giảo cổ lam còn được gọi là "thảo dược trường thọ", đang thu hút sự chú ý vì khả năng tăng cường quá trình trao đổi chất, giảm cholesterol và giảm viêm đồng thời thúc đẩy tuổi thọ.

Tiến sĩ - Bác sĩ Michael Aziz, chuyên gia y học tái tạo (Mỹ), nói với The Post, giảo cổ lam, mọc ở các vùng núi và rừng rậm của châu Á, được gọi chính thức là Gynostemma pentaphyllum. Tại Việt Nam, giảo cổ lam được tìm thấy này ở vùng núi Phan Xi Păng (Sa Pa) và vùng núi đá vôi Hòa Bình. Theo nhiều nghiên cứu, giảo cổ lam ở Việt Nam cũng có chất lượng không thua kém giảo cổ lam ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Một số coi nó là "nhân sâm phương Nam" hoặc "cỏ thần kỳ". Mặc dù đã được sử dụng trong y học dân gian trong nhiều thế kỷ, nhưng giảo cổ lam thực sự trở nên phổ biến trong 10 năm qua. Nó chủ yếu được tìm thấy trong trà thảo mộc và thực phẩm bổ sung. Trà giảo cổ lam có khả năng chống oxy hóa rất cao. Nó cao gấp tám lần so với trà xanh.

Theo chuyên gia Mỹ này, nó có vị đắng nhưng hơi ngọt. Vị đắng bắt nguồn từ saponin của giảo cổ lam, các hóa chất hữu cơ được cho là nắm giữ chìa khóa cho lợi ích sức khỏe của cây dược liệu này. Vị đắng và tính chất lạnh của giảo cổ lam đặc biệt hiệu quả trong việc thanh nhiệt và giải độc cơ thể, giúp ích cho các tình trạng như viêm gan siêu vi, viêm dạ dày ruột mãn tính, viêm phế quản mãn tính. Để tốt nhất cho sức khỏe nên pha một đến hai thìa trà giảo cổ lam khô trong 250ml nước lọc. 

Giảo cổ lam là dược liệu có khả năng hỗ trợ chống ung thư và huyết áp nhưng cũng nên lưu ý khi sử dụng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, vị ngọt của giảo cổ lam nuôi dưỡng tim và bảo vệ gan, có lợi cho khí huyết và có hiệu quả hơn trong việc chống lại chứng tăng lipid máu, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, mất ngủ và đau đầu.

Giảo cổ lam chứa gypenosides, một loại saponin. Gypenosides có cấu trúc tương tự như ginsenosides có trong nhân sâm. Theo TS Aziz, gypenosides kích thích protein kinase hoạt hóa AMP, một loại enzyme đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì cân bằng năng lượng của tế bào. Chúng có tác dụng chống oxy hóa.

Chúng cũng cải thiện tín hiệu insulin và cải thiện chức năng của ty thể, là nguồn năng lượng của tế bào. Đó là một số dấu hiệu lão hóa ảnh hưởng đến tuổi thọ. Bên cạnh đó, giảo cổ lam cũng đã được chứng minh là có đặc tính hỗ trợ chống ung thư và cũng giúp giảm huyết áp.

Theo Verywell Health, phần lớn bằng chứng nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của giảo cổ lam mới chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên chuột và các loài động vật khác. Các thử nghiệm lâm sàng nhỏ và hầu hết các nghiên cứu trên người về việc sử dụng giảo cổ lam đều tập trung vào bệnh tiểu đường, béo phì và căng thẳng.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) cũng đã chứng minh rằng, uống giảo cổ lam sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra oxit nitric, chất này thúc đẩy quá trình lưu thông máu và có vai trò tích cực trong việc kiểm soát huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch.

Tạp chí Dược học số 5/2011 đã đăng tải nghiên cứu của GS.TS Phạm Thanh Kỳ và PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (Viện Y học cổ truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm) chứng minh chiết xuất giảo cổ lam có tác dụng ngăn ngừa và kìm hãm sự phát triển khối u một cách rõ rệt. Năm 2012, GS.TS Phạm Thanh Kỳ tiếp tục phối hợp với các cộng sự Hàn Quốc, đã tìm thấy 7 hoạt chất saponin mới trong cây Giảo cổ lam Việt Nam và đặt tên là gypenoisd VN 01-07. Các chất này được chứng minh có khả năng tiêu diệt mạnh các tế bào ung thư bạch cầu, phổi, đại tràng, vú và tử cung.

Gần đây, GS.TSKH. Trần Văn Sung (nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) còn phát hiện ra hoạt chất Adenosin trong giảo cổ lam 5 lá. Adenosin rất tốt cho những người tim mạch (làm giảm rõ rệt những cơn đau tim), bởi adenosin có khả năng tạo năng lượng rất mạnh, tăng khả năng chịu đựng của cơ tim, kích hoạt giấc ngủ sinh lý, giúp dễ ngủ.

Hay một nghiên cứu ở Hàn Quốc đã xem xét 72 người có tiền sử căng thẳng và lo âu mãn tính. Một nửa được cho dùng chiết xuất từ lá giảo cổ lam và một nửa còn lại dùng giả dược. Những người tham gia tiếp tục dùng chất bổ sung trong 8 tuần và được đánh giá mức độ căng thẳng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm dùng giảo cổ lam có mức độ căng thẳng tự báo cáo thấp hơn nhưng không có sự khác biệt về mức độ hormone gây căng thẳng như norepinephrine và cortisol giữa những người dùng giảo cổ lam và những người dùng giả dược.

Bệnh viện Vinmec cũng cho biết, theo Y Học Cổ Truyền, giảo cổ lam là loại dược liệu quý mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Từ xa xưa, vị dược liệu này đã được vua chúa sử dụng để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ hay duy trì sắc đẹp cho các phi tần. Flavonoid và saponin là thành phần hóa học chính có trong giảo cổ lam. Ngoài ra trong loại thảo dược này còn chứa nhiều vitamin và các khoáng chất tốt cho sức khỏe như kẽm, mangan, selen, sắt,...

Tuy nhiên nên uống giảo cổ lam vào buổi sáng để giúp tinh thần minh mẫn, nâng cao hiệu suất làm việc. Không dùng giảo cổ lam vào buổi tối đặc biệt là trước khi đi ngủ vì khả năng hoạt huyết của loại giảo cổ lam dược liệu sẽ khiến nhịp tim tăng, kích thích thần kinh và dẫn đến khó ngủ. Không dùng giảo cổ lam quá liều khuyến cáo (khoảng 60g khô/người/ngày).

Không sử dụng giảo cổ lam để qua đêm vì có thể ảnh hưởng bất lợi tới hệ tiêu hóa. Nếu muốn dùng sang ngày hôm sau tốt nhất bạn nên bảo quản trong tủ lạnh và đun sôi lại trước khi sử dụng. Người bị hạ đường huyết hay huyết áp thấy nên uống trà giảo cổ lam sau khi ăn no. Có thể sử dụng kết hợp trà giảo cổ lam với cây xạ đen hay cà gai leo để tăng hiệu quả điều trị. Những đối tượng mắc các bệnh như thận hư, sỏi thận không nên dùng và những người mắc chứng máu khó đông không được dùng giảo cổ lam dược liệu.

Tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền

Theo Thông tư số: 38/2021/TT-BYT quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng; công bố chất lượng dược liệu; kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và thủ tục thu hồi, xử lý dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền vi phạm.

Dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển hoặc tiêu chuẩn cơ sở. Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền được trình bày theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm mà cơ sở công bố áp dụng. Việc thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm phải được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc (GLP) hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Y Dược cổ truyền) tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo quy định về đăng ký vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền; quy định về cấp phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành và quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng dược liệu.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang