Doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG: Cơ hội và thách thức

author 12:54 25/03/2025

(VietQ.vn) - Bộ tiêu chuẩn ESG là thuật ngữ viết tắt của 3 từ Environmental - Social - Governance, là bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp sẽ có cơ hội và thách thức gì khi áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG?

Trong sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, cộng đồng ngày càng hiểu rõ hơn sự cần thiết của phát triển bền vững đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. ESG đóng vai trò giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý rủi ro, cũng như cơ hội phát triển bền vững.

Cơ hội: McKinsey & Company (2019) đã phân tích 5 giá trị mà ESG có thể tạo ra cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Tăng trưởng thị phần (Top-line Growth): ESG giúp củng cố thị phần tại các thị trường hiện tại và gia tăng mở rộng thị phần tại các thị trường mới qua việc thu hút được nhiều khách hàng cá nhân và tổ chức hơn với các sản phẩm bền vững. Ngoài ra, việc áp dụng ESG giúp doanh nghiệp tạo lập được mạng lưới gắn kết với các bên liên quan trong cộng đồng, từ đó hỗ trợ việc khai thác các nguồn lực dễ dàng.

Giảm chi phí (Cost Reduction): áp dụng ESG giúp giảm chi phí vận hành (chi phí nguyên vật liệu, chi phí năng lượng, nước,...). Ví dụ, doanh nghiệp chuyển phát nhanh FedEx đặt mục tiêu sẽ chuyển đổi toàn bộ 35000 xe sang xe điện hoặc máy hybrid, tới nay công ty đã tiến hành chuyển đổi được khoảng 20% lượng xe, theo đó đã giảm lượng chi phí nguyên liệu thụ đến hơn 50 triệu gallon (khoảng 190 triệu lít).

Doanh nghiệp có nhiều cơ hội khi áp dụng tiêu chuẩn ESG.

Giảm áp lực về pháp lý (Regulatory and Legal Intervention): ESG giúp doanh nghiệp có thể tự do hơn trong việc đưa ra và thực hiện các chiến lược mà không lo gặp phải rủi ro về pháp lý và áp lực từ phía chính phủ. Thậm chí các doanh nghiệp còn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của chính phủ.

Nâng cao năng suất (Productivity uplift): ESG tạo ra môi trường làm việc công bằng, an toàn, minh bạch, giúp các công ty thu hút và giữ chân nhân viên chất lượng, nâng cao động lực nhân viên. từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

Đầu tư và tối ưu hóa tài sản (Investment and asset optimization): ESG có thể nâng cao lợi tức đầu tư bằng cách phân bổ vốn cho các cơ hội hứa hẹn và bền vững hơn (ví dụ: năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải và máy lọc khí). ESG cũng có thể giúp các công ty tránh được khoản đầu tư rủi ro trong dài hạn bởi các vấn đề môi trường (ví dụ: tàu chở dầu…).

Thách thức: Đi đôi với các cơ hội, ESG cũng mang tới nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Theo nghiên cứu ESG toàn cầu, dưới đây là các thách thức đang cản trở việc áp dụng tiêu chuẩn ESG của công ty:

Thiếu dữ liệu về ESG (Lack of robust data): Vấn đề khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là thu thập và đo lường dữ liệu liên quan tới ESG.

Lo lắng về hiệu suất và lợi nhuận (Concern about performance and sacrificing returns): Đây là rào cản lớn thứ hai với doanh nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố này đang có xu hướng giảm mạnh do nhà đầu tư đang dần coi lợi tức đầu tư và sự phát triển bền vững đều cùng có lợi.

Lo ngại về xu hướng “Quảng cáo xanh” (Concerns over greenwashing): “Quảng cáo xanh, nhuộm xanh hay tẩy xanh” (Greenwashing) là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu, là những tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường. Đây là rào cản thứ 3 và đang có xu hướng tăng lớn (từ 22% lên 30% năm 2022).

Như vậy, ngày càng nhiều các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề greenwashing dần trở nên phổ biến và các nhà quản lý có thể lợi dụng ESG như một công cụ tiếp thị và truyền thông.

Ba rào cản này mang tới thử thách lớn hơn cho các nhà đầu tư Bắc Mỹ so với khu vực khác. Điều này giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư Bắc Mỹ ít tin tưởng nhất vào ESG và tại sao khu vực này có tỷ lệ áp dụng ESG thấp nhất. Một vài rào cản khác bao gồm: Hệ thống quy định phức tạp, khó hiểu và chưa đồng nhất; Sản phẩm/chiến lược của doanh nghiệp không phù hợp; Bản chất của ngành tập trung đầu tư ngắn hạn;...

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư SDP cho hay, có những doanh nghiệp thực hiện theo các quy trình của ESG rất tốt, song lại không thực hiện được báo cáo theo đúng quy định. “Hầu hết doanh nghiệp thiếu kiến thức về ESG, từ đó tiêu tốn nhiều nguồn vốn, thời gian…”, ông Dũng chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để áp dụng thành công ESG?

Để áp dụng thành công ESG trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện một số bước quan trọng. Dưới đây là một số kiến nghị giúp doanh nghiệp đạt được các tiêu chí ESG.

Nâng cao nhận thức về ESG: Doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên về tầm quan trọng của ESG. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn ESG mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực tế trong hoạt động kinh doanh.

Xây dựng chiến lược ESG rõ ràng: ESG không thể chỉ là một kế hoạch mang tính hình thức. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ESG cụ thể, phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu phát triển của mình. Chiến lược này cần bao gồm các mục tiêu rõ ràng, các tiêu chí đánh giá và kế hoạch hành động cụ thể.

Tích hợp ESG vào quy trình quản trị: ESG không chỉ là trách nhiệm xã hội hay bảo vệ môi trường, mà còn là một phần của quá trình quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tích hợp ESG vào quy trình quản trị hàng ngày, từ việc ra quyết định chiến lược đến quản lý rủi ro và báo cáo tài chính.

ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hợp tác với các đối tác chiến lược: Để đạt được thành công trong việc áp dụng ESG, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược, bao gồm các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực ESG. Điều này giúp doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận nguồn lực và công nghệ tiên tiến để thực hiện các chỉ tiêu ESG hiệu quả hơn.

Báo cáo và đánh giá định kỳ: Để đảm bảo tính minh bạch và đo lường hiệu quả của ESG, doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo và đánh giá định kỳ. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ theo dõi tiến độ mà còn điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết để đạt được mục tiêu ESG.

Tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển, ESG không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng nếu doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng và cam kết mạnh mẽ, việc áp dụng ESG sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ nâng cao uy tín, thu hút đầu tư đến cải thiện hiệu suất hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang