Công cụ phòng vệ thương mại: Đảm bảo công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước

author 16:43 15/11/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, công cụ phòng vệ thương mại được dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA nữa. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là 3 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Điều này một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Từ thực tế trên, các chuyên gia nhận định, công cụ phòng vệ thương mại được dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Các biện pháp phòng vệ thương mại góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" với mục đích ngăn ngừa, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, nhằm thực hiện chủ trương chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về phòng vệ thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới".

Đề án tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả phòng vệ thương mại, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, nâng cao hiểu biết, năng lực của các doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ phòng vệ thương mại. Đồng thời, có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mục tiêu chung của đề án nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.

Để thực hiện các mục tiêu này, giai đoạn 2022-2025, đề án sẽ tập trung rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Từ đó, đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại. Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; số hóa việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.

Giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; tăng cường tiếng nói của Việt Nam về phòng vệ thương mại trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.

Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai đề án, đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia các Hiệp định FTA.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang