Công nghệ AI đang trở thành công cụ đắc lực của tin tặc khiến doanh nghiệp chật vật đối phó

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới nhất của Kaspersky công nghệ AI đang trở thành công cụ đắc lực của tin tặc, khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với mối nguy an ninh mạng ngày càng tăng.
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
An toàn thông tin trong thanh toán điện tử: Dấu ấn công nghệ Make in Vietnam
Bắc Ninh đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng thông qua nhiều hoạt động thiết thực
Tấn công mạng gia tăng: Nguy cơ và giải pháp bảo vệ an toàn thông tin
Công nghệ AI (Artificial Intelligence) hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, kỹ thuật ước tính đám đông … đến các hệ thống an ninh, bảo mật, hay hệ thống pháp luật, chính phủ.
Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như người…tất cả là do AI được cài một cơ sở dữ liệu lớn, được lập trình trên cơ sở dữ liệu đó và tái lập trình trên cơ sở dữ liệu mới sinh ra. Cứ như vậy cấu trúc của AI luôn luôn thay đổi và thích nghi trong điều kiện và hoàn cảnh mới.
Dự báo đến năm 2030 GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, AI đã xuất hiện trong nhiều ngành, từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo và ngân hàng trực tuyến đến giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe. AI đã thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp tiến lên và thay đổi cuộc sống của nhiều người.
Theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, AI là một công nghệ đột phá, với tiềm năng to lớn, công nghệ này đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam...mở ra cơ hội lớn để hội nhập vào thời kỳ công nghệ 4.0. Công nghệ AI càng quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Công nghệ AI được ứng dụng rất nhiều ngành công nghiệp nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh minh họa
Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của Kaspersky, 76% công ty tham gia khảo sát gặp nhiều sự cố an ninh mạng hơn trong năm qua, trong đó 46% nhận định công nghệ AI là thủ phạm chính trong nhiều vụ việc. Công nghệ AI, vốn đã cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp, nay lại trở thành công cụ cho tội phạm mạng, khiến các mối đe dọa đối với doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Trong nghiên cứu mới nhất với tựa đề “Phòng thủ an ninh mạng và AI: Bạn đã sẵn sàng bảo vệ tổ chức của mình chưa?”, Kaspersky đã thu thập ý kiến của các chuyên gia về bảo mật công nghệ thông tin và an toàn thông tin đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như các công ty quy mô lớn.
Khảo sát này đánh giá mức độ và tần suất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trước các cuộc tấn công an ninh mạng sử dụng công nghệ AI. 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết số lượng các cuộc tấn công mạng đã tăng trong 12 tháng qua. Đáng chú ý, 46% số doanh nghiệp trả lời khảo sát tin rằng phần lớn các cuộc tấn công an ninh mạng có dấu hiệu lợi dụng AI. Có đến 72% người tham gia khảo sát nhận định AI là yếu tố khiến các cuộc tấn công mạng trở nên nghiêm trọng hơn. Trước áp lực ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp đang tích cực điều chỉnh chiến lược an ninh mạng và tìm kiếm các giải pháp bảo vệ toàn diện và chủ động.
Theo đó, các yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần xác định để đối phó với thách thức này bao gồm: Nâng cao năng lực nội bộ thông qua đào tạo thường xuyên (92%), tuyển dụng nhân sự có trình độ cao (91%), và tận dụng dịch vụ tư vấn an ninh mạng từ các đối tác bên ngoài (90%). Bên cạnh đó, việc đảm bảo đủ số lượng nhân sự trong đội ngũ công nghệ thông tin (88%) và sử dụng các giải pháp bảo mật từ bên thứ ba (86%) cũng được xem là giải pháp hữu hiệu.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù nhận thức về các mối đe dọa an ninh mạng đã tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với các cuộc tấn công. Hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát đang thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực thiết yếu để đối phó với các cuộc tấn công mạng tinh vi.
Cụ thể, 57% không có đủ chuyên môn cần thiết về an ninh mạng, 54% thiếu nhân lực công nghệ thông tin, 49% thiếu nhân sự có trình độ cao, và 52% chưa đầu tư đủ vào hoạt động đào tạo định kỳ. Bên cạnh đó, có 53% doanh nghiệp tự nhận định hệ thống bảo mật hiện tại chưa đủ khả năng bảo vệ tổ chức khỏi các nguy cơ tiềm ẩn. Mặc dù phần lớn các công ty nhận thức được vấn đề thiếu hụt nguồn lực này, nhưng thực tế các giải pháp cần thiết vẫn chưa được triển khai một cách hiệu quả.
Theo ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam, Al đã thay đổi cách thế giới vận hành, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Những kẻ xấu cũng đang lợi dụng AI để tăng tốc, mở rộng quy mô và không ngừng đổi mới các cuộc tấn công, khiến các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều nguy cơ về an ninh mạng hơn bao giờ hết. Để bảo vệ hoạt động của mình, các doanh nghiệp Việt cần đối phó với những mối đe dọa này bằng những giải pháp được hỗ trợ bởi AI và tận dụng những khả năng của mô hình này để tăng cường hiệu quả an ninh và tự động hóa các quy trình an ninh của mình.
Ông Đoàn Quang Hòa, Giám đốc Công nghệ Palo Alto Networks Việt Nam chia sẻ, gần đây, tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể các mối đe dọa mạng như lừa đảo và gian lận, gia tăng các lỗ hổng bảo mật của doanh nghiệp... Khi ứng dụng AI, những rủi ro này tiếp tục gia tăng, thời gian để các vụ tấn công đánh cắp dữ liệu khách hàng ngày càng rút ngắn, thậm chí nhiều tổ chức không biết đã bị tấn công từ lâu. Vì vậy, việc đầu tư vào các giải pháp mạng sử dụng Al là điều bắt buộc, mang tính quan trọng sống còn của tổ chức, doanh nghiệp.
Bàn về giải pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng trong doanh nghiệp ông Oleg Gorobets, chuyên gia Kaspersky chia sẻ: “Sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc tấn công sử dụng mã độc tống tiền ransomware khiến các nhà quản lý doanh nghiệp băn khoăn “giải mã” gốc rễ của vấn đề. Cơn sốt gần đây xoay quanh AI mang đến một lời giải thích đơn giản, nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Việc sử dụng AI để tạo ra các tin nhắn lừa đảo tinh vi hơn hoặc âm thầm thu thập thông tin hiệu quả hơn chỉ là một phần của vấn đề".
Trên thực tế, ông Oleg Gorobets cũng cho biết các nhóm tội phạm mạng ngày càng được tổ chức bài bản, hợp tác chặt chẽ hơn, và phát triển nhiều chiến lược tấn công sáng tạo hơn. Điều này tạo điều kiện cho những nhóm tội phạm có kỹ năng hạn chế và nguồn lực khiêm tốn, thực hiện các cuộc tấn công dễ dàng hơn. Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi sự phát triển và khả năng ứng dụng của AI trong cả tấn công và phòng thủ, các doanh nghiệp cần tập trung vào các giải pháp phòng thủ ngay từ bây giờ.
Các tổ chức cần ưu tiên bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu bằng những giải pháp mạnh mẽ, đa tầng và đồng bộ. Hệ sinh thái XDR kết hợp cùng chuyên môn kỹ thuật nội bộ hay thông qua dịch vụ quản lý thuê ngoài có thể nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ. Ngoài ra, việc liên tục cung cấp cho nhân viên những khóa đào tạo kiến thức cơ bản về an ninh mạng và cách sử dụng AI an toàn, sẽ bổ sung thêm một lớp bảo vệ quan trọng cho tổ chức.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, vai trò của Al trong các cuộc tấn công và phòng thủ mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng trong các chiến lược an ninh mạng. Chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị đối với các tổ chức, doanh nghiệp nên phân bổ nguồn lực để triển khai các hệ thống phòng thủ sử dụng AI có khả năng thích ứng với các mối đe dọa; chia sẻ thông tin đe dọa với các đối tác ngành và cộng đồng an ninh giúp tăng cường khả năng phòng thủ tập thể; giáo dục nhân viên về các rủi ro và thực hành đối phó các cuộc tấn công mạng sử dụng AI; thường xuyên cập nhật kiến thức về các công nghệ AI mới và các ứng dụng tiềm năng trong cả phòng thủ an ninh mạng.
An Dương