Công ty Johnson Wood Việt Nam bị xử phạt vì chuyển giao chất thải nguy hại không đúng quy định

author 22:36 31/03/2025

(VietQ.vn) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 550 triệu đồng đối với Công ty CP Johnson Wood Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, TP. Biên Hòa do có hai hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Công ty CP Johnson Wood Việt Nam chuyên sản xuất gỗ có 2 hành vi vi phạm về môi trường. Cụ thể, công ty này không có giấy phép môi trường theo quy định. Từ năm 2021, Công ty CP Johnson Wood Việt Nam đã đầu tư mở rộng (lắp đặt, thay mới trang thiết bị, thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, phát sinh chất thải nguy hại…) thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh nhưng chưa làm thủ tục để được cấp phép.

Công ty bị xử phạt do vi phạm về môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty CP Johnson Wood Việt Nam đã chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, công ty trên đã chuyển giao 1.500kg chất keo phát sinh (dùng trong công đoạn ghép gỗ là loại chất kết dính sau khi sử dụng được phân loại là loại chất thải phải được kiểm soát) cho đơn vị không có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý là không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Căn cứ khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải nguy hại là những chất thải nguy hại chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Các chất thải nguy hại đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như: sinh hoạt hộ gia đình, ngành công nghiệp, y tế, thiết bị điện tử, chất thải bức xạ, chất thải đặc biệt. Cụ thể, danh mục chất thải nguy hại được quy định tại Mục C, Mẫu số 1, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Chất thải nguy hại có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, nó bao gồm các chất có tính độc, gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người và môi trường. Việc nắm vững các chất thải nguy hại đối với các doanh nghiệp sản xuất, các hộ gia đình và tuân thủ các quy định liên quan là một phần quan trọng của việc bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của con người.

Việc phân định chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại. Trường hợp chất thải công nghiệp phải kiểm soát chưa được phân định thì được quản lý như chất thải nguy hại; trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với một số tính chất và thành phần nguy hại nhất định thì áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất. Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được Thông tư nêu rõ, cần được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Điểm tập kểt phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng.

Với 2 hành vi nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Johnson Wood Việt Nam 550 triệu đồng. Trong đó xử phạt hành vi không có giấy phép môi trường 320 triệu đồng; hành vi chuyển giao chất thải không đúng quy định là 230 triệu đồng. Quyết định giao công ty có trách nhiệm nộp phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định. Trường hợp công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm môi trường

Cùng với việc xử lý Công ty CP Johnson Wood Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 6 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, với tổng số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Hyosung Vina Industrial Machinery tại KCN Nhơn Trạch 5 bị xử phạt 320 triệu đồng do đã đưa dự án vào hoạt động nhưng không có giấy phép môi trường.

Công ty TNHH Kuang Tai (Việt Nam) tại KCN Nhơn Trạch 3 bị xử phạt 355 triệu đồng do vi phạm hai hành vi: đưa cơ sở vào hoạt động chính thức khi chưa được cấp giấy phép môi trường; không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.

Công ty TNHH Dệt Lý Minh tại KCN Dệt may Nhơn Trạch bị xử phạt 320 triệu đồng do hoạt động khi chưa có giấy phép môi trường.

Công ty TNHH Hi Knit tại KCN Nhơn Trạch 2 bị xử phạt 375 triệu đồng do không có hệ thống quan trắc tự động bụi, khí thải theo quy định.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 320 triệu đồng đối với Công ty TNHH King's Grating tại KCN Nhơn Trạch 2 đưa dự án đi vào hoạt động nhưng không có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. 

Công ty TNHH Posco VST tại KCN Nhơn Trạch 1 bị xử phạt 320 triệu đồng do đưa dự án đi vào hoạt động nhưng không có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. 

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các công ty phải nộp phạt theo đúng số tiền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Trường hợp công ty không tự nguyện chấp hành, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và môi trường cùng các đơn vị có liên quan tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo đúng quy định.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot