Viên sủi Satuchin quảng cáo vi phạm quy định pháp luật: Công ty KINDPEAK chối bỏ trách nhiệm?

author 07:21 22/08/2021

(VietQ.vn) - Phản hồi về những bài viết của Chất lượng Việt Nam (VietQ) phản ánh sản phẩm viên sủi Satuchin có dấu hiệu kinh doanh vi phạm quy định pháp luật, Công ty KINDPEAK lại chối bỏ trách nhiệm.

Ai chịu trách nhiệm?

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, Cục ATTP- Bộ Y tế đã quy định (tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018) chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Quy định là vậy, nhưng theo phản ánh của bạn đọc, sản phẩm TPBVSK Satuchin do Công ty TNHH thương mại KINDPEAK (Công ty KINDPEAK, Phòng 601, số nhà B5D6, KĐT Cầu Giấy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm và phân phối, đang được quảng cáo trên mạng xã hội có công dụng như thuốc điều trị bệnh trĩ là lừa dối người tiêu dùng, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

 Công ty phân phối sản phẩm Satuchin "chối bay" trước các dấu hiệu vi phạm được VietQ phản ánh.

Sau khi nhận được phản ánh, VietQ đã đi sâu tìm hiểu, thu thập, lưu lại thông tin trên các trang quảng cáo, từ đó nhận thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở. VietQ đã đăng tải nhiều bài viết phân tích, nêu rõ bản chất của tổ chức kinh doanh TPBVSK Satuchin bằng hình thức phân phối online.

Sau khi bài viết đăng tải, Công ty KINDPEAK đã phản hồi khẳng định, việc quảng cáo sản phẩm Satuchin là đúng theo trình tự, quy định của pháp luật, tại các wesite đăng ký với Bộ Công thương. Đối với việc quảng cáo của các đại lý, trong hợp đồng phân phối các bên đã có cam kết về việc quảng cáo, tư vấn bán hàng theo đúng quy định của pháp luật và có chế tài cụ thể với hành vi vi phạm của khách hàng là đại lý. Công ty KINDPEAK phủ nhận các website, Youtube, Facebook... vi phạm quảng cáo mà VietQ phản ánh không thuộc sở hữu của công ty.

Về việc này, VietQ nhận thấy, đối với một đơn vị kinh doanh uy tín, lẽ thường khi phát hiện sản phẩm của đơn vị đang bị quảng cáo sai lệch, gây hiểu nhầm cho người bệnh là thuốc để thu lợi, bất chất các quy định pháp luật thì Công ty KINDPEAK nên phối hợp với tòa soạn để cảnh báo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng Công ty KINDPEAK lại “chối bay” để bảo toàn uy tín cho đơn vị và yêu cầu phía VietQ phải “gỡ” nội dung có dấu hiệu vi phạm đã được đăng tải. Vì thế, dư luận đang đặt câu hỏi liệu rằng đơn vị này “có tật giật mình”?

Bởi, không khó để thấy trên mạng xã hội, internet xuất hiện nhan nhản các đoạn video, hình ảnh… quảng cáo dưới mọi hình thức cho sản phẩm của Công ty KINDPEAK có công dụng như thuốc điều trị bệnh trĩ.

Trách nhiệm này thuộc về ai? Nếu Công ty KINDPEAK không thực hiện thì tổ chức, cá nhân nào có ý tưởng sản xuất cả một chiến lược truyền thông bài bản, quy mô như vậy để quảng cáo miễn phí cho sản phẩm viên sủi Satuchin? Hơn nữa, với tốc độ quảng cáo "chóng mặt", sai công dụng trên các trang web, facebook, trang TMĐT... như phản ánh thì sẽ có rất nhiều khách hàng bị "lừa"? Như vậy, nếu bán thì sản phẩm sẽ được gửi từ đâu, doanh thu về tổ chức nào, ai sẽ hưởng lợi? Đặc biệt, Công ty KINDPEAK khẳng định những trang website mà tòa soạn đăng tải không do công ty quản lý, vậy lý do gì lại "chột dạ" trong khi đây là thông tin rất cần cảnh báo tới khách hàng.

Đủ mánh khoé tinh vi

Đối với những người bệnh nếu chưa nắm rõ quy định của pháp luật, hay chưa biết rõ công dụng của TPBVSK/TPCN sẽ rất dễ tin tưởng vào những quảng cáo “có cánh”, mánh khóe tổ chức kinh doanh “tô vẽ” trên mạng xã hội mà tin tưởng mua sản phẩm dùng. Cần nói thêm, theo tìm hiểu của PV, ngay cả trên những website của Công ty KINDREAK có đăng ký với Bộ Công thương cũng nhan nhản video giới thiệu là người bệnh “thoát” bệnh trĩ nhờ uống viên sủi Satuchin.

Nhan nhản video quảng cáo có dấu hiệu vi phạm được đăng tải trên trang website có dấu đăng ký Bộ Công thương 

Trích lại một video, khách hàng giới thiệu tên Hoàng Thu Thảo (45 tuổi, Tam Bình, Vĩnh Long) bị trĩ độ 3 đã gần chục năm nay nhưng chưa điều trị, khiến bệnh ngày càng phát triển nặng khiến chị rất khổ sở và đau đớn. Từng đi phẫu thuật nhưng chỉ được một thời gian bệnh trĩ lại tái phát khiến chị Thảo gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. May mắn thay chị Thảo có bạn cũng bị trĩ độ 1 và dùng sản phẩm Satuchin khỏi bệnh, giới thiệu lại.

“Sau 5 ngày dùng tôi đã thấy có tác dụng rồi, những khó chịu trong người giảm hẳn. Tôi tiếp tục dùng thêm 2 tháng nữa thì thấy các triệu chứng khó chịu như đau rát, chảy máu không còn nữa. Dùng thêm 1 liệu trình tôi thấy mình khỏe hẳn, các triệu chứng bệnh hoàn toàn biến mất. Hiện tại tôi thấy mình như bỏ được gánh nặng của 10 năm nay rồi”, chị Thảo khoe.

Tương tự là video của nghệ sỹ Trần Bình Xuyên, ông được ban tổ chức mời đến để chia sẻ về sản phẩm Satuchin. Ông Xuyên cho biết, căn bệnh trĩ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, công việc của ông. Tuy nhiên sau khi sử dụng Satuchin được gần 1 tháng thì các hiện tượng gặp phải đã khỏi, dù trước đó ông dùng nhiều loại thuốc nhưng chỉ giảm và khi bỏ thuốc bệnh tái lại. Đến bây giờ ông Xuyên hoàn toàn yên tâm vào Satuchin, ông hi vọng qua chia sẻ của mình sẽ có nhiều người tin dùng hơn.

Thậm chí, trường hợp bà Tô Thị Quế cũng liên tục “khua môi múa mép” khi cho rằng Satuchin rất “tuyệt vời”, trong đoạn video của bà được quay dựng chia sẻ sai công dụng sản phẩm. Bà Quế cho biết, bà bị trĩ độ 2, uống thuốc nhiều nơi nhưng không khỏi, may mắn biết đến Satuchin uống được 1 thời gian thì các triệu chứng của trĩ khỏi hết, đi kiểm tra trĩ đã về độ 1, tiếp tục uống thì khỏi hoàn toàn, các búi trĩ đã co lên hết.

“Satuchin này uống hay lắm, ai cũng có thể dùng được. Người có bệnh trĩ uống khỏi, người không bị thì phòng bệnh. Nếu bệnh nặng thì uống ngày 2 viên, khỏi rồi uống phòng ngày 1 viên...”, bà Quế “ba hoa”.

Rõ ràng, những đoạn chia sẻ trên đều “vống” công dụng sản phẩm Satuchin, thậm chí người chia sẻ còn không có kiến thức và không hiểu biết về TPBVSK. Phải chăng đây chỉ là màn kịch được dựng, còn các nhân vật thì chỉ việc diễn thế nào cho hay để lừa người dùng?

Đây chỉ là số ít video trong rất nhiều video được đăng tải công khai trên trang website https://satuchin.vn/ - trang website có dấu đăng ký với Bộ Công thương. Từ những nội dung nêu trên, VietQ khẳng định nội dung các bài viết đăng tải trước đó hoàn toàn khách quan, góp phần lột tẩy bản chất dối trá trong kinh doanh sản phẩm Satuchin. Còn những mánh khóe tinh vi mà tổ chức kinh doanh đã dựng lên để lừa người tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19, VietQ sẽ tiếp tục đăng tải, kết hợp với cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trao đổi với báo chí như sau: Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật. 

Theo Điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. 

Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang