Sản phẩm Satuchin lợi dụng hình ảnh, mạo danh bác sĩ quảng cáo vi phạm quy định pháp luật?

author 14:11 11/08/2021

(VietQ.vn) - Không chỉ đóng vai “bác sĩ” tư vấn, vào vai “bệnh nhân” diễn bệnh, mà tổ chức kinh doanh TPBVSK Satuchin còn mạo danh tên tuổi lương y, bác sĩ để nâng cao uy tín cho sản phẩm, lừa dối khách hàng là bài thuốc điều trị đứt điểm bệnh trĩ.

Mạo danh lương y để quảng cáo

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã cấp giấy công bố sản phẩm, giấy xác nhận quảng cáo sản phẩm Satuchin cho Công ty TNHH thương mại KINDPEAK (Phòng 601, số nhà B5D6 Khu đô thị Cầu Giấy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và chỉ có tác dụng hỗ trợ nhuận tràng, hỗ trợ tăng cường sức bền thành mạch, hỗ trợ giảm tình trạng giãn mạch, xuất huyết, hỗ trợ hạn chế nguy cơ bị trĩ, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, sản phẩm này đang được quảng cáo công khai là thuốc điều trị các bệnh trĩ.

Viên sủi Satuchin không điều trị dứt điểm bệnh trĩ như quảng cáo

Quá trình tìm hiểu, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã đăng tải loạt bài viết về sản phẩm TPBVSK Satuchin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiếp tục hành trình “lột tẩy” bản chất kinh doanh dối trá của đơn vị kinh doanh, PV nhận thấy tổ chức này đã lợi dụng bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng để tung nhiều “chiêu” quảng cáo, phổ rộng trên khắp trang mạng xã hội, nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Theo vị “bác sĩ” dởm tư vấn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trung tâm sẽ giảm giá “không quan tâm giàu nghèo, cứ mua là giảm”.

Chính vì vậy không ít người tiêu dùng đã “mắc bẫy” chi tiền mua sản phẩm về dùng mà không biết rằng đây chỉ là chiến dịch quảng cáo do tổ chức kinh doanh Satuchin tự “bày” ra để lừa dối người bệnh. Quá trình trao đổi với PV (trong vai bệnh nhân), “bác sĩ” dởm khoe: “Một ngày trung tâm gửi đi hàng trăm triệu tiền liệu trình cho người bệnh nên cứ yên tâm dùng...”. Nhưng thực chất, đây chỉ là những lời nói dối, nhằm lừa phỉnh khách hàng.

Quá trình tìm hiểu, PV còn nhận thấy trong các quảng cáo Satuchin được giới thiệu là bài thảo dược trị các bệnh về trĩ do TS. Bác sĩ Nguyễn Hoàng - nguyên Giảng viên Trường Đại Học Y Dược Hà Nội nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm, giúp rất nhiều người thoát khỏi bệnh trĩ lâu năm. Trên các website cũng không ngừng “ca tụng” công dụng của Satuchin: “Cứ 10 người thì có 9 người dùng khỏi bệnh; giải quyết hết các tình trạng của trĩ, kể cả sa búi trĩ giai đoạn 3 mà không cần phẫu thuật...”.

Để thông tin được khách quan, PV đã liên hệ tới Bác sĩ Nguyễn Hoàng thì ông phủ nhận thông tin trên, đồng thời khuyên người bệnh nên thận trọng không mua sản phẩm trôi nổi trên mạng. “Những thông tin đăng tải là mạo danh tôi, tôi không nghiên cứu ra bài thuốc, sản phẩm Satuchin. Có thể trong một buổi tọa đàm, tôi chia sẻ về thành phần có trong sản phẩm rồi họ lấy hình ảnh của tôi để mạo danh”, ông Hoàng cho biết.

Người tiêu dùng bức xúc

Trước thông tin quảng cáo mà tổ chức kinh doanh đã dàn dựng, đồng thời sau những bài viết được VietQ đăng tải, rất đông người tiêu dùng đã tỏ ra bức xúc vì hình thức kinh doanh có phần “chộp giật”, thậm chí đã có nhiều ý kiến cho rằng sẽ tẩy chay sản phẩm Satuchin.

Người tiêu dùng lên tiếng tẩy chay sản phẩm Satuchin

Chị Nguyễn Kim Liên (Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc: “Giờ thuốc gì cũng bán qua mạng, nên không biết là điều trị hay không. Thấy quảng cáo hay lắm, cứ cam kết thì sao chúng tôi không tin cho được. Giờ kinh doanh bất chấp, toàn kiếm tiền trên sự sợ hãi của người bệnh. Đọc được những thông tin do quý báo đăng tải chúng tôi mới vỡ ra... lâu nay bị lừa. Tôi khuyên mọi người, muốn mua bất cứ sản  phẩm nào cũng phải tìm hiểu thông tin trên truyền thông để tránh tiền mất tật mang”.

Anh Phong (phố Bạch Mai, Hà Nội) thông tin: “Mấy năm nay tôi thấy thuốc bán trên mạng nhiều quá. Lướt mạng là hiện ra rất nhiều sản phẩm, nhiều lần tôi cũng đặt mua thuốc trĩ trên mạng về dùng, thấy bác sĩ tư vấn khẳng định sẽ khỏi bệnh, nếu không khỏi sẽ hoàn tiền, nhưng rồi dùng không thấy tiến triển, gọi điện lại thì tư vấn dùng thêm và đổ lỗi do cơ địa không hấp thụ thuốc. Giờ tôi sẽ tẩy chay các sản phẩm rao bán trên mạng xã hội mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực tế nên đi khám và điều trị theo bác sĩ vẫn là phương án hợp lý nhất”.

Liên quan tới vấn đề trên, Cục ATTP- Bộ Y tế khẳng định, nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị, không thay thế được thuốc điều trị nên người tiêu dùng cần cẩn trọng trước khi sử dụng. Trước thực trạng loạn quảng cáo, Cục đã đăng tin cảnh báo đồng thời cho biết sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp nếu vi phạm pháp luật.

Từ nội dung nêu trên, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng và ngành y tế cần khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm viên sủi Satuchin có dấu hiệu vi phạm nhằm bảo vệ lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng.

NVP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang