CPTPP, EVFA: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh

author 18:13 25/07/2020

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.

Phát biểu tại Hội nghị với chủ đề “Hỗ trợ DN Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư nước ngoài FDI và phát triển doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, sự liên kết của các DN Việt Nam còn rời rạc, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn, giữa DN Việt Nam và các DN FDI, mức độ tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

“Các DN cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế đó là sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, tỉ lệ nội địa hoá còn thấp, mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam còn rất hạn chế. Tác động từ dịch COVID-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: VGP 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Về Tổ công tác đặc biệt vừa thành lập nhằm thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tổ đặt ra yêu cầu cho các DN phải nêu ra được kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đưa các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Ở chiều ngược lại, DN FDI sẽ dành được ưu đãi, cao hơn cả ưu đãi hiện hành. Để giải bài toàn vươn lên trong chuỗi giá trị, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, chính nỗ lực của các DN phát huy sức sáng tạo, thích ứng hoàn cảnh mới vẫn là yếu tố chính.

“Các DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ, nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cùng phát biểu tại hội nghị, ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tài trợ 9,5 triệu USD thông qua USAID hỗ trợ những sáng kiến nhằm giúp Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch, cũng như hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Đồng thời hy vọng, nguồn ngân sách này sẽ giúp Việt Nam vực dậy sau khủng hoảng và sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Được biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng DN cũng chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang