UBND tỉnh TT-Huế có được quyền sở hữu nhãn hiệu Bún Bò Huế?

author 13:30 14/08/2016

(VietQ.vn) - Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục SHTT đã có trao đổi xung quanh Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế?

Trước tiên, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “BÚN BÒ HUẾ và hình” là một văn bản bắt buộc cần phải có khi nộp hồ sơ đăng ký NHCN theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, Quy chế quản lý và sử dụng NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” chỉ được thực thi khi NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” được bảo hộ. Về nguyên tắc, trong quá trình áp dụng, Quy chế này có thể được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh bún bò Huế.

Về mặt ý nghĩa, Quy chế quản lý và sử dụng NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” là những quy định trong quản lý sản phẩm Bún bò Huế nhằm đảm bảo những chỉ tiêu về chất lượng, giá trị ẩm thực của sản phẩm, những yếu tố đã hình thành nên sự nổi tiếng và giá trị tiêu dùng. Do đó, việc đăng ký và quản lý NHCN mang ý nghĩa quan trọng, nó thể hiện sự quan tâm của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm bảo tồn, duy trì những nét văn hóa của món Bún bò Huế nói riêng và văn hóa ẩm thực của người dân xứ Huế nói chung.

Có ý kiến cho rằng nếu ‘đồng phục hóa’ món ăn này sẽ mất đi tính đa dạng và bí quyết nhà nghề, ông có ý kiến như thế nào về việc này?

Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng việc đăng ký bảo hộ NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” không phải là sự “đồng phục hóa” món ăn này. Vì sao lại như vậy, thứ nhất bản thân sản phẩm Bún bò Huế đã và đang là một sản phẩm có giá trị về văn hóa ẩm thực, được hình thành lâu đời và tạo dựng được những dấu ấn về chất lượng đối với người tiêu dùng. Vì thế, bản thân món Bún bò Huế đã có những nét đặc trưng riêng của nó, là dấu hiệu để nhận biết và tạo dấu ấn đối với người tiêu dùng rồi.

Vấn đề thứ hai, qua việc đăng ký NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình”,UBND tỉnh Thừa Thiên Huế muốn duy trì những giá trị truyền thống, đặc trưng về hương vị, công thức món ăn và quảng bá sản phẩm dựa trên những hình ảnh đặc trưng, văn hóa ẩm thực mang đậm nét Huế. Mỗi một món ăn nó có thể được chế biến theo khẩu vị, nét đặc trưng riêng theo văn hóa ẩm thực của từng vùng, từng cộng đồng, nhưng những giá trị chung nhất, nét ẩm thực đặc trưng của Bún bò Huế thì không thể thay đổi.

Bún bò Huế là món ăn, mang nét ẩm thực của người dân Huế, trong khi đó vấn đề ẩm thực lại mang đậm tính nghệ thuật và kỹ năng, vì thế việc bảo hộ NHCN không ảnh hưởng và không làm mất đi tính nhà nghề, hay còn gọi là bí quyết của người dân mà nó chỉ hình thành hình ảnh chung nhất của một sản phẩm mang đậm nét Huế mà thôi.

Vì sao lại lựa chọn chủ sở hữu là UBND tỉnh. Có ý kiến cho rằng UBND tỉnh có làm ra tô bún bò đâu mà là chủ sở hữu thương hiệu?

Bún bò Huế là sản phẩm được hình thành trên cơ sở sự sáng tạo của người dân, được tích lũy theo thời gian, nó đã trở thành một tài sản chung của người dân Huế và do đó không thể thuộc quyền sở hữu riêng của bất cứ cá nhân nào. Tài sản này cần được bảo vệ và trao quyền sử dụng theo một cơ chế đặc biệt.

Hơn nữa, “Huế” là một dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thuộc sở hữu của nhà nước, do đó Nhà nước, có quyền cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng dấu hiệu đó để đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Ở đây, UBND tỉnh là đại diện Nhà nước, có quyền quyết định đến việc cho phép tổ chức, cá nhân nào sử dụng dấu hiệu “Huế” để đăng ký bảo hộ quyền SHTT, cụ thể ở đây là cho đặc sản Bún bò. Vì vậy, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp đăng ký NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” là phù hợp với quy định của Luật SHTT.

Ngoài ra, theo quy định của Luật SHTT, chủ sở hữu NHCN là tổ chức không trực tiếp sản xuất và kinh doanh sản phẩm, do đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn đáp ứng điều kiện làm chủ sở hữu NHCN.

Logo Bún bò Huế 

Vậy theo ông, việc bảo hộ "Bún bò Huế" có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bún bò của người dân hay không?

NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” được chủ Đơn là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nộp đơn đăng ký tại Cục SHTT mới được hơn 1 tháng, do đó hồ sơ đăng ký NHCN này đang được Cục SHTT thẩm định theo quy định của pháp luật. Sắp tới, nhãn hiệu “BÚN BÒ HUẾ và hình” sẽ được công bố công khai trên Công báo Sở hữu công nghiêp số 342A, ngày 26 tháng 9 năm 2016. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền phản đối việc bảo hộ nhãn hiệu này nếu cho rằng việc bảo hộ như vậy là trái với các quy định pháp luật, làm tổn hại đến quyền và quyền lợi của mình. Các ý kiến phản đối như vậy được coi là một trong các cơ sở đánh giá khả năng bảo hộ trong quá trình thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Việc đăng ký bảo hộ NHCN cho một sản phẩm gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý là một trường hợp đặc biệt, do đó phạm vi bảo hộ như thế nào còn phụ thuộc vào kết quả thẩm định và quyết định cuối cùng của Cục Sở hữu trí tuệ. Đối với nhãn hiệu “BÚN BÒ HUẾ và hình”, ngoài việc xem xét về sự phù hợp với các quy định của Luật SHTT, cá nhân tôi cho rằng cần xem xét đặc biệt đến hiện trạng về tính phổ biến của món ăn này trên thực tế. Vì thế, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHCN cần có sự linh hoạt và hợp lý nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo mục tiêu bảo hộ nhưng cũng không làm ảnh hưởng quá lớn và xáo trộn trên thực tế.

Tôi phải nói thêm rằng, việc bảo hộ NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” không chỉ tác động đến người kinh doanh trên thị trường mà nó còn có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, tác động đến quyền được tiếp cận với một món ăn truyền thống, giá trị ẩm thực và nét văn hóa mà sản phẩm mang lại.

Việc cả xã hội quan tâm đến Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế’, điều này có nói lên điều gì không, thưa ông?

Sự quan tâm của cộng đồng đến Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "BÚN BÒ HUẾ và hình” ngoài việc thể hiện việc đăng ký NHCN này có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động kinh doanh của người dân, nó còn thể hiện được vị trí của món ăn Bún bò Huế đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thực tế thì Bún bò Huế không phải là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được đăng ký NHCN, đã có nhiều NHCN cho các đặc sản địa phương được đăng ký và bảo hộ có hiệu quả. Tôi cho rằng, sự quan tâm của người dân đối với việc bảo hộ NHCN “BÚN BÒ HUẾ và hình” càng cho thấy trách nhiệm của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung trong việc giữ gìn và bảo vệ sản phẩm truyền thống, nét văn hóa ẩm thực quý mang giá trị tinh thần vô giá này. Việc bảo vệ Bún bò Huế không đơn giản là việc đăng ký NHCN mà nó còn cần được thể hiện bằng trách nhiệm, hành động cụ thể của người kinh doanh, nhận thức và quyết định lựa chọn của người tiêu dùng trong cả nước.

Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm này, Bún bò Huế sẽ thực sự được người dân quan tâm hơn, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có trách nhiệm hơn để cùng với người dân Huế gìn giữ, bảo vệ và phát huy được giá trị đặc biệt của món Bún bò Huế.

Hà Thủy ( thực hiện)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang