Gắn mác ‘Bún bò Huế' phải xin phép: Quy chế có khả thi?

author 06:04 09/08/2016

(VietQ.vn) - Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” của UBNN tỉnh Thừa Thiên - Huế đang gây nhiều tranh cãi.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hàng loạt đặc sản vùng miền nước ta đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan về giá trị kinh tế cũng như các lợi ích cho người dân địa phương. Tuy nhiên, với Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” vừa mới được ban hành, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đang gây xôn xao dư luận cả nước.

Logo Bún bò Huế  

Nhiều đặc sản vùng miền đã có thương hiệu

Chương trình Hỗ trợ Phát triển Tài sản Trí tuệ (hay còn gọi là Chương trình 68) nằm trong khuôn khổ dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai, phối hợp với các Bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Mục tiêu của dự án này là thúc đẩy năng suất, chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá là thế mạnh của vùng miền, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương.

Sau 5 năm thực hiện, chương trình 68 đã hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho hơn 100 đặc sản gắn với các địa danh khu vực. Với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo quy trình quản lý, các sản phẩm có thương hiệu đã được nâng tầm giá trị cũng như mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế địa phương. Giá bán nhiều đặc sản đã tăng từ 2 – 3 lần so với sản phẩm cùng loại chưa có chứng nhận.

Cho tới nay, những thành công nổi bật trong chương trình 68 có thể kể đến Gà đồi Yên Thế, Hồ tiêu Quảng Trị, Xoài tròn Yên Châu, cam Vinh, chè Tân Cương… Không chỉ được ghi nhận trong nước, các đặc sản vùng miền được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn vươn ra thị trường quốc tế với giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, việc sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng góp phần bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và tiêu dùng.

Quy chế gây nhiều tranh cãi

Không nằm ngoài mong muốn bảo vệ giá trị cho nền ẩm thực và văn hoá địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành đăng ký bảo hộ cho thương hiệu Bún bò Huế theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo tỉnh đã thiết kế nhãn hiệu gồm chữ “Bún bò Huế” kèm hình minh hoạ riêng. Theo đó, đây được xem là nhãn hàng do tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ sở hữu và giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế quản lý.

Việc làm trên của UBND tỉnh hoàn toàn đi theo chủ trương và định hướng từ chương trình 68 của Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong quyết định số 761/QĐ-BKHCN ngày 9/4/2013, Bún bò Huế là sản phẩm trong danh sách 23 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ vùng miền do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý vào giai đoạn 2014 - 2015.

Tuy nhiên, ngày 13/7 vừa qua, việc ông Phan Ngọc Thọ – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – ký ban hành Quy chế Quản lý và Sử dụng Nhãn hiệu Bún bò Huế đã gây tranh cãi.

TS Trần Đức Anh Sơn – Nhà nghiên cứu văn hoá Huế – chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: “Bún bò Huế không phải sản phẩm công nghiệp, không phải thứ mà một cá nhân, tổ chức hay địa phương độc quyền chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ. Giả sử quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có căn cứ pháp lý và có hiệu lực thì đây là một quyết định bất khả thi, vì tỉnh sẽ không thể đủ nhân lực và tài lực để giám sát việc thực thi quyết định này”.

Cùng quan điểm trên, TS Huỳnh Văn Thông chia sẻ: “Chữ ‘Huế’ trong nhãn hiệu ‘bún bò Huế’ thật ra không có tư cách của một chỉ dẫn địa lý… vì không hề có yếu tố ‘xuất xứ địa lý’. Chữ ‘Huế’ trong tên gọi món ăn này thật ra là biểu trưng cho tính cách của nền ẩm thực Huế trong cảm nhận của thực khách”. Tuy nhiên, “thay vì đăng ký nhãn hiệu cho một tính cách văn hóa ẩm thực, họ lại chỉ làm việc đó cho mỗi món bún bò”.

Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành lại đánh giá tích cực về quy chế mới của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Về mặt truyền thông, thương hiệu, đây là bước đi táo bạo mở đường cho việc tạo ra mô hình khai thác thương hiệu vùng miền… Đây là một sáng kiến tốt của các nhà quản lý, đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng, người bán hàng, các nhà cung cấp và các đơn vị trung gian”.

Ông Thành giải thích: “Như với khách hàng, họ có những dấu hiệu để nhận biết các cửa hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tính chính hiệu của sản phẩm họ dùng. ‘Bún bò Huế’ theo quy định ở đây chỉ là một trong những phong cách chế biến. Không nên ‘đồng phục hóa’ hay ép buộc các cơ sở kinh doanh tham gia và qua đó đánh mất tính đa dạng và bí quyết nhà nghề của các hộ kinh doanh món ăn này".

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty luật Bross, và cộng sự phân tích: “Chỉ dẫn địa lý thường chỉ được cấp cho các sản vật địa phương như nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà, quế hồi Lạng Sơn... thường gắn với thổ nhưỡng. Còn cái này nó là di động, bún bò Huế, bún chả Hàng Mành thì không phải chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, nếu quy định như tỉnh Thừa Thiên-Huế thì cũng không có công thức cụ thể cho nước dùng bún bò Huế. Chẳng hạn, phở Lý Quốc Sư thì bán kèm theo công thức, mọi hàng phở Lý Quốc Sư chuyển giao đều có một vị như nhau”.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý 'Ninh Thuận' cho sản phẩm thịt cừu(VietQ.vn) - Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nghiệm thu.

Minh Tâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang