Cuối tuần, giá lợn hơi giảm nhẹ

author 11:01 23/11/2019

(VietQ.vn) - Nếu những ngày trong tuần giá lợn hơi cao nhất lên đến 78.000 đồng một kg thì sáng nay (23/11), theo ghi nhận giá lợn hơi cao nhất đang ở mức 77.000 đồng một kg như vậy giá lợn hơi đã giảm nhẹ.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi tại Thái Nguyên giảm 1.000 đồng/kg xuống 76.000 đồng/kg, Hà Nội giảm 2.000 đồng/kg còn 73.000 đồng/kg, Hưng Yên xuống giá 2.000 đồng/kg đạt 76.000 đồng/kg sau nhiều ngày giữ giá 78.000 đồng/kg.

Mức giá cao hơn vẫn được ghi nhận tại một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, đạt xấp xỉ 77.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi ở Đắk Lắc giảm 2.000 đồng/kg xuống 68.000 đồng/kg, Bình Định sau khi tăng 6.000 đồng/kg trong ngày hôm qua đạt 69.000 đồng/kg thì nay cũng giảm xuống còn 68.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn giữ mức giá ổn định, tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đang có mức giá tốt nhất khu vực, đạt 75.000 - 76.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ở Tiền Giang, Bến Tre cùng giảm 3.000 đồng/kg, xuống mức giá lần lượt là 72.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Sóc Trăng cũng giảm 2.000 đồng/kg xuống 73.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tại TP HCM, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang,… giá lợn hơi tăng nhẹ với mức tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg lên 72.000 – 73.000 đồng/kg.

Cuối tuần, giá lợn hơi giảm nhẹ

 Hôm nay, giá lợn hơi giảm nhẹ so với những ngày trong tuần.

Từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.

Nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay). Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn thời điểm cận Tết, Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục triển khai 4 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, bộ, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.

Thứ 2, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành Thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, lợn thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Thứ 3, các địa phương cần định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh trưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Cuối cùng, theo Bộ Công Thương cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thit lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang