Đại biểu Quốc hội đề xuất để Bộ Tư pháp quản lý trại tạm giam thay cho công an

author 06:53 10/11/2015

(VietQ.vn) - Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, Nhà tạm giam, trại tạm giữ nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời để chống bức cung, nhục hình.

Sáng 9/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, thống nhất về tổ chức, tránh việc Cơ quan điều tra có thể lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình. Một số đại biểu đề nghị cần giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý.

Đại biểu (ĐB) QH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - cho rằng hệ thống cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam hiện nay chưa tách bạch nên dẫn đến không ít vụ bức cung, nhục hình đã xảy ra.

“Xét về bộ máy, mô hình hiện nay đã tách biệt giữa hệ thống cơ quan điều tra đồng cấp với các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng vẫn do công an cấp tỉnh, huyện quản lý chung về nhân lực, con người; ngay cả việc bổ nhiệm, điều động nhân sự cũng bị phụ thuộc. Vì vậy, phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự công an cấp tỉnh, huyện để bảo đảm tính khách quan trong công tác tạm giam, tạm giữ” - ĐB Vinh kiến nghị. Theo ông Vinh, việc quản lý tạm giam, tạm giữ nên giao Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an).

Đại biểu Huỳnh Văn Tính nhất trí với việc thực hiện chế độ Nhà tạm giữ, trại tạm giam tổ chức theo hệ thống dọc để thuận tiện cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện, độc lập với sự chỉ đạo của Cơ quan Công an, Quân đội nơi đặt nhà tạm giữ, trại tạm giam và cho rằng: Quy định như vậy để tránh tình trạng cơ quan điều tra, cơ quan phụ trách nhà tạm giữ, trại tạm giam cùng một đầu mối làm chỉ huy, dễ dẫn tới việc sai sót, lạm quyền trong tiếp xúc hỏi cung, đồng thời hạn chế được oan sai do bức cung nhục hình gây ra.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu vấn đề trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý ở trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Quân đội để phù hợp với thực tiễn. “Loại hình đào tạo trong Quân đội nhân dân khác cơ bản với Công an nhân dân. Hơn nữa số lượng tội phạm được giam giữ trong trại tạm gia, nhà tạm giữ trong Quân đội không nhiều, quy mô và tính chất phức tạp không lớn. Do đó, trình độ quản lý cấp này chỉ cần tốt nghiệp đại học luật là phù hợp. Đồng thời, nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định quy định theo tiêu chuẩn do Chính phủ quy định” - Đại biểu Tính đề nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM). Ảnh Tuổi trẻ

Cũng đồng tình với việc tách quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam khỏi cơ quan điều tra nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) không đồng tình giao cho cơ quan chức năng của Bộ Công an. Ông Nghĩa đề xuất: “Theo tôi, nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời để chống bức cung, nhục hình. Việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập với điều tra viên, công tố viên”.

Một nội dung khác được các ĐB đề cập là thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam. Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), QH khi xem xét thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cần xem xét quy định minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra để phần nào làm nguôi đi đau khổ cho thân nhân” - bà Hiền nói.

Trước đó, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng có đề xuất không nên để cho cơ quan điều tra tiếp tục quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ mà nên giao cho Bộ Tư Pháp.

Theo ông Khiển thì việc này cũng đã có chủ trương từ lâu và từng được nhiều cấp có thẩm quyền đưa ra để bàn bạc.

Nguyên nhân là ông Khiển thấy thời gian gần đây nạn truy bức, mớm cung nghi phạm, bị can dường như có xu hướng gia tăng. Cơ quan điều tra thì vừa điều tra, vừa bắt giữ, vừa tạm giam nên "công an có làm gì nghi phạm trong trại không thì rất khó biết" - ông Khiển lo ngại.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang