Đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu sang Hà Lan

author 15:24 07/12/2020

(VietQ.vn) - Thực tế trong những năm qua, Hà Lan đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hoạt động thương mại quốc tế của hàng thời trang Việt Nam với thị trường EU đã có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang cơ cấu lại bộ máy, sẵn sàng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, nguồn nguyên liệu để đáp ứng tốt các cam kết của hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, phục vụ tốt hơn cho thị trường EU.

Ông Lê Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách và xúc tiến thương mại, Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, Việt Nam là nhà sản xuất lớn thứ ba và xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên thế giới. Trong đó, riêng với thị trường Hà Lan đây là nhà nhập khẩu lớn thứ ba ở EU đối với giày dép và túi xách của Việt Nam.

Hà Lan là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Ảnh minh họa.

Thực tế trong những năm qua, Hà Lan đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm. Về đầu tư, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Quan hệ hai nước đã chuyển sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Với việc triển khai EVFTA, thương mại Việt Nam - Hà Lan nói chung và sản phẩm thời trang nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đánh giá cao hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan nói chung, ngành thời trang hai nước nói riêng, ông Iwan Rutjens - Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đi đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan. Theo ông Iwan Rutjens, Hà Lan với chuyên môn về hậu cần và cơ sở hạ tầng tốt đã tiếp nhận số lượng lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU thông qua cảng Rotterdam. Dự kiến trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng.

Dẫn chứng tiềm năng thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung đối với hàng thời trang của Việt Nam, ông Iwan Rutjens cho biết, mỗi người tiêu dùng Tây Âu mua trung bình 22 kg hàng dệt may hàng năm. Ở Hà Lan, trung bình một người tiêu dùng mua 46 mặt hàng quần áo mới mỗi năm. Điều này dẫn đến việc mỗi người sẽ có khoảng 173 món đồ trong tủ…

Nhằm tìm kiếm các cơ hội và tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam và Hà Lan, cuối tháng 11 vừa qua, hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Hà Lan là sự khởi đầu cho sự hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và Hiệp hội Dệt may, Thảm, Rèm cửa, Thời trang và Đồ nội thất dệt may Hà Lan (MODINT) cùng các doanh nghiệp thành viên trong lĩnh vực sản phẩm thời trang. Sự kiện đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp thời trang Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng Hà Lan.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) bày tỏ hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa giữa Cục XTTM và MODINT như đồng tổ chức những sự kiện kết nối B2B, các đoàn giao thương và đầu tư… để mang lại cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp thời trang hai nước.

“Để tận dụng lợi thế của EVFTA trong lĩnh vực thời trang, doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định này. Đồng thời, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của quy tắc xuất xứ để xuất khẩu sang thị trường của nhau”, ông Tài nêu rõ.

Hà Lan thu hồi khẩu trang Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng(VietQ.vn) - Bộ Y tế Hà Lan ngày 28/3 thông báo giới chức nước này đã thu hồi hàng chục nghìn khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc do số hàng hóa này không đạt tiêu chuẩn về chất lượng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang