Đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa Việt Nam tại thị trường châu Mỹ

author 15:35 02/10/2020

(VietQ.vn) - Để đón bắt sự chuyển dịch mới của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn chất lượng và hiệu quả chứ không chỉ đơn giản chăm chăm "săn tìm" cơ hội thị trường để bán hàng trong thời gian ngắn.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng gần 3,5 lần từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua. Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Để đón bắt sự chuyển dịch mới của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn chất lượng và hiệu quả. Ảnh minh họa.

Mặc dù châu Mỹ là thị trường rất tiềm năng nhưng con đường thâm nhập vào thị trường này của doanh nghiệp Việt cũng có không ít trở ngại. Theo các chuyên gia, trước hết phải kể đến khoảng cách xa xôi về địa lý, giao thông bởi hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới nhiều quốc gia châu Mỹ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế cho thấy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm kinh doanh, mặt hàng là hết sức quan trọng và có thể nói là sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải, hiện thị trường châu Mỹ rất ưa chuộng các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây,... của Việt Nam. Song doanh nghiệp của chúng ta lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện tại thị trường này như kiểm dịch, chất lượng an toàn thực phẩm, phong tục tập quán,... Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường châu Mỹ. Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung tìm hiểu kỹ lưỡng để đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Nói riêng về thị trường Hoa Kỳ, là thị trường hiện chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang châu Mỹ, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Bùi Huy Sơn cho biết, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ quý III, chi tiêu tại thị trường này đã tăng dần, là tín hiệu rất quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Có thể nói, một thị trường nhập khẩu hơn 2.000 tỷ USD hàng hóa/năm, lại đang có những dịch chuyển mạnh mẽ về chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, tạo dư địa khai thác lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng mới.

Nhưng để đón bắt sự chuyển dịch mới của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn chất lượng và hiệu quả chứ không chỉ đơn giản chăm chăm "săn tìm" cơ hội thị trường để bán hàng trong một thời gian ngắn. Cụ thể, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của thị trường trong tình hình mới, luôn theo sát diễn biến thị trường và chính sách để kịp thời ứng phó.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện sản phẩm cũng như thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu qua kênh phân phối trực tiếp hoặc trực tuyến. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm phục vụ xuất khẩu…

Thực thi EVFTA: Cấp 15.000 bộ C/O sang EU với kim ngạch 700 triệu USD (VietQ.vn) - Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang