Dầu khí Phương Đông làm ăn ra sao dưới thời ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản?

author 17:01 12/07/2019

(VietQ.vn) - Năm 2015, CTCP Dầu khí Pương Đông (PDC) - doanh nghiệp sở hữu khách sạn Mường Thanh Phương Đông, Mường Thanh Cửa Đông của Ocean Group đã “về tay” nhóm cổ đông Lê Thanh Thản.

PDC nhiều lần đổi chủ

Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An với tên gọi Khách sạn Phượng Hoàng. Năm 2007, PDC được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản với hoạt động chính là kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.

Năm 2009, cổ phiếu PDC chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, ngay khi lên sàn, PDC gánh ngay khoản lỗ lên tới 60 tỷ đồng.

Chỉ vài tháng sau đó, PVN chuyển nhượng hơn 60% cổ phần của PDC cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí  - PTSC (PVS). Đến tháng 8/2011, PTSC lại chuyển nhượng số cổ phiếu trên cho Ocean Hospitality và Ocean Bank.

 Khách sạn Phương Đông thuộc PDC. Ảnh Internet

Đến giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group, PDC lại một lần nữa đổi chủ. Lần này, cái tên thay thế Ocean Group trở thành cổ đông lớn tại PDC là gia đình ông Lê Thanh Thản – ông chủ tập đoàn Mường Thanh với biệt danh "đại gia điếu cày".

Nhóm cổ đông Lê Thanh Thản nắm giữ khoảng 10,05 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng 67% vốn điều lệ công ty. Theo ước tính, “đại gia điếu cày” đã chi khoảng 70 tỷ đồng để nắm quyền sở hữu PDC. Hiện tại, cả ông Lê Thanh Thản và bà Lê Thị Hoàng Yến đều là thành viên HĐQT của PDC.

Theo báo cáo tình hình quản trị của PDC, tính tới cuối năm 2018, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, Chủ tịch PDC nắm giữ 3 triệu cổ phiếu doanh nghiệp này, tương đương tỷ lệ vốn 20%. Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Yến, con ông Thản nắm giữ gần 10% vốn tại PDC.

Dưới thời ‘đại gia điếu cày’ PDC làm ăn ra sao?

Trong 2 năm đầu về tay Tập đoàn Mường Thanh, hoạt động kinh doanh PDC đã có những tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Cụ thể, năm 2016, PDC đạt gần 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số 783 triệu đồng năm trước đó. Đến năm 2017, lợi nhuận công ty tiếp tục tăng lên 6,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ từ mức 54 tỷ của năm 2016 nhanh chóng cán mốc 94 tỷ đồng sau 1 năm. Cùng với đó, tổng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 192 tỷ lên trên 310 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của PDC tăng trên 3 lần sau 1 năm.

Tuy nhiên, đến năm 2018, kết quả kinh doanh đi xuống rõ nét với doanh thu đạt 60 tỷ đồng, giảm 36% và lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, tổng nợ tiếp tục tăng từ 161 tỷ lên 164 tỷ đồng năm 2018.

Ông Lê Thanh Thản hiện là Chủ tịch PDC.

Theo giải trình từ công ty, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh giảm mạnh do cơ sở vậ chất xuống cấp trầm trọng, công ty đang đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, doanh thu BĐS giảm do dự án BĐS đã đi vào giai đoạn cuối của dự án, số căn hộ bán ra gần hết.

Mới đây, PDC đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 với kết quả khả quan khi quý I/2019 lãi ròng trên 1,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% quý I/2018. Nguyên nhân là do chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty được siết chặt...

Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, trước khi về tay "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, công ty này đã có thời điểm đạt đỉnh lợi nhuận trên 7 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, sau 1 năm (2014), lợi nhuận sụt giảm hơn 1 nửa chỉ còn trên 3 tỷ và chỉ còn gần 800 triệu lãi ròng vào năm 2015.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PDC hiện đang xoay quanh ngưỡng 5.500 đồng/cp, tương ứng định giá thị trường khoảng 80 tỷ đồng.

 Thảo Nguyên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang