Dẹp 'loạn' trong thương mại điện tử, cần những giải pháp nào?

author 06:29 14/09/2020

(VietQ.vn) - Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, kèm theo đó là những vấn đề gây nhức nhối và thiệt hại cho người tiêu dùng như hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vậy, giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Tiềm năng lớn, rủi ro kèm theo không nhỏ

Thống kê của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng dần đều ở mức trên 20%/năm. Năm 2018 quy mô thị trường TMĐT bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) đạt 8,06 tỷ USD. Kết thúc năm 2019, thị trường này đã tăng lên 9,4 tỷ USD; số lượng khách mua hàng thông qua TMĐT đạt 49,8 triệu người…

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á hiện lọt vào top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. Nhiều sàn TMĐT Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sendo... đã lọt vào Top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015-2025 được dự báo ở mức 43%. Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu TMĐT cũng được dự báo vượt ngưỡng 13 tỉ USD. Tuy nhiên, số lượng các vụ vi phạm trong môi trường TMĐT cũng tăng lên.

Tính đến tháng 7/2020, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16,3 tỉ đồng, hàng vi phạm có trị giá lên tới hơn 40 tỉ đồng vi phạm về TMĐT và lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Về vụ việc điển hình, vào tháng 7/2020, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động kiểm tra kho hàng tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai qua đó phát hiện 160.000 sản phẩm giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Chanel, Adidas...

Theo khai nhận của các nhân viên, họ được chủ kho thuê livestream bán hàng trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá... mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu bán lẻ hàng tháng đạt hơn 10 tỷ đồng; sao kê giao dịch qua ngân hàng cho thấy, trong chưa đầy 2 năm qua các đối tượng đã bán lượng hàng trị giá hơn 649 tỷ đồng.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Sự phát triển thương mại điện tử đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, loại hình này cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Ảnh: TT 

Còn theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên các sàn TMĐT của các cơ quan chức năng trong thời gian qua như “muối bỏ bể”, bởi tình trạng công khai bán hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra. Mặc dù các sàn TMĐT như Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... đã tham gia ký kết với Bộ Công Thương cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Cần lấp ngay những lỗ hổng

Đề cập tới vấn đề những quy định pháp luật quản lý TMĐT chưa theo kịp sự phát triển loại hình kinh doanh này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sen Đỏ Lê Anh Huy cho rằng, chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường TMĐT thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Cụ thể, công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Điều đó cho thấy cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP phù hợp thực tế. Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT Việt Nam phát triển bền vững.

Theo Bộ Công Thương, hiện việc xử lý các vi phạm chủ yếu được xử lý với mức xử phạt hành chính, mặc dù trách nhiệm của người bán cũng như sàn thương mại điện tử theo Bộ Công Thương đã được quy định. Trong trường hợp đã nhận được phản ánh mà không có biện pháp xử lý, ngăn chặn và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, sàn thương mại điện tử có thể chỉ bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất 30 triệu đồng. Còn bản thân người bán cũng sẽ bị xử lý khi vi phạm pháp luật.

Thương mại điện tử bùng nổ và liên tục duy trì mức tăng trưởng 30% mỗi năm dẫn đến việc số lượng người tham gia ngày càng lớn, khả năng kiểm soát ngày càng khó khăn. Khảo sát mới đây cho thấy, có tới 72% người dùng Việt Nam cho biết trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến là sản phẩm thực tế kém chất lượng so với giới thiệu, quảng cáo. Theo Bộ Công Thương, để quản lý chặt chẽ và ngăn chặn được tình trạng hàng giả, vi phạm bản quyền đòi hỏi phải định danh được người dùng, nhất là người bán.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần khuyến khích thanh toán online khi mua hàng qua sàn TMĐT do các giao dịch này sẽ được chủ sàn quản lý. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT, thay vì buông lỏng như thời gian qua.

Theo nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền sẽ cao hơn. Ngoài ra, tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang